Layout Options

Header Options

  • Choose Color Scheme

Sidebar Options

  • Choose Color Scheme

Main Content Options

  • Page Section Tabs
  • Light Color Schemes
Kinh Trường Bộ 011 Kinh Kiên Cố (Kevaddha sutta)
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại vườn Pavàri-kamba, làng Nalandà. Bấy giờ có cư-sĩ trẻ tuổi tên Kevaddha đến thỉnh-cầu đức Phật cho thi-triển các thần-thông trước mặt đông-đảo dân chúng trong làng nầy, để họ càng kính-tín Thế-tôn thêm lên. Đức Phật từ-chối việc cho thi-triển thần-thông trước công-chúng, và nhơn đó Ngài giảng Kinh nầy, cho biết có ba loại thần-thông: (1) biến-hoá thần-thông, (2) tha-tâm thông thần-thông và (3) giáo-hoá thần-thông. Chỉ có loại thần-thông sau cùng là được đức Phật giảng-dạy, tức là ba môn học vô-lậu: giới, định, huệ. Sau đó, đức Phật kể lại chuyện một vị Tỳ-kheo có thắc-mắc: chẳng biết bốn đại (đất, nước, lửa, gió) sau khi biến-hoại thì đi về đâu? Tỳ-kheo ấy nhập-định lên Thiên-giới, lần-lượt hỏi các vị Trời, và sau cùng được Đại-Phạm Thiên-vương mách cho, nên trở lại hỏi Phật. Đức Phật mới giảng cho vị Tỳ-kheo ấy biết, khi Thức diệt thì mọi thứ đều diệt-tận.
Tìm kiếm nhanh
student dp

ID:157

Các tên gọi khác

Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại vườn Pavàri-kamba, làng Nalandà. Bấy giờ có cư-sĩ trẻ tuổi tên Kevaddha đến thỉnh-cầu đức Phật cho thi-triển các thần-thông trước mặt đông-đảo dân chúng trong làng nầy, để họ càng kính-tín Thế-tôn thêm lên. Đức Phật từ-chối việc cho thi-triển thần-thông trước công-chúng, và nhơn đó Ngài giảng Kinh nầy, cho biết có ba loại thần-thông: (1) biến-hoá thần-thông, (2) tha-tâm thông thần-thông và (3) giáo-hoá thần-thông. Chỉ có loại thần-thông sau cùng là được đức Phật giảng-dạy, tức là ba môn học vô-lậu: giới, định, huệ. Sau đó, đức Phật kể lại chuyện một vị Tỳ-kheo có thắc-mắc: chẳng biết bốn đại (đất, nước, lửa, gió) sau khi biến-hoại thì đi về đâu? Tỳ-kheo ấy nhập-định lên Thiên-giới, lần-lượt hỏi các vị Trời, và sau cùng được Đại-Phạm Thiên-vương mách cho, nên trở lại hỏi Phật. Đức Phật mới giảng cho vị Tỳ-kheo ấy biết, khi Thức diệt thì mọi thứ đều diệt-tận.
Kinh Trường Bộ 011 Kinh Kiên Cố (Kevaddha sutta)

 

I. Nội dung kinh

(Kevaddha sutta)
Dịch giả: Thích Minh Châu


    

(Download file MP3 – 5.41 MB – Thời gian phát: 31 phút 32 giây.)
Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về [email protected] để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Font chữ:


1. Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở tại Nalandà trong vườn Pavàrikampa. Lúc bấy giờ cư sĩ trẻ tuổi Kevaddha đến tại chỗ Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, cư sĩ trẻ tuổi Kevaddha bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, Nalandà này có uy tín và phồn thịnh, nhân dân đông đúc và tín kính Thế Tôn. Bạch Thế Tôn, lành thay nếu Thế Tôn chỉ giáo cho một Tỷ-kheo thị hiện thượng nhân pháp, thần thông biến hóa. Nhờ vậy Nalandà này sẽ được nhiều người tín kính Thế Tôn hơn nữa.

Ðược nghe nói vậy, Thế Tôn nói với cư sĩ trẻ tuổi Kevaddha:

– Kevaddha, Ta không dạy cho các Tỷ-kheo pháp này: “Này các Tỷ-kheo các Ngươi hãy thị hiện thượng nhân pháp, thần thông biến hóa cho các cư sĩ áo trắng”.

2. Lần thứ hai, cư sĩ trẻ tuổi Kevaddha bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, con không muốn phiền nhiễu Thế Tôn. Con chỉ nói: “Bạch Thế Tôn, Nalandà này có uy tín và phồn thịnh, nhân dân đông đúc và tín kính Thế Tôn. Bạch Thế Tôn, lành thay nếu Thế Tôn chỉ giáo cho một Tỷ-kheo thị hiện thượng nhân pháp, thần thông biến hóa. Nhờ vậy Nalandà này sẽ được nhiều người tín kính Thế Tôn hơn nữa”.

Lần thứ hai, Thế Tôn nói với cư sĩ trẻ tuổi Kevaddha:

– Này Kevaddha, Ta không dạy cho các Tỷ-kheo pháp này: “Này các Tỷ-kheo, các Ngươi hãy hiện thượng nhân pháp, thần thông biến hóa cho các cư sĩ áo trắng”.

3. Lần thứ ba, cư sĩ trẻ tuổi Kevaddha Bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, con không muốn phiền nhiễu Thế Tôn. Con chỉ nói: “Bạch Thế Tôn, Nalandà này có uy tín và phồn thịnh, nhân dân đông đúc và tín kính Thế Tôn. Bạch Thế Tôn, lành thay nếu Thế Tôn chỉ giáo cho một Tỷ-kheo thị hiện thượng nhân pháp, thần thông biến hóa. Nhờ vậy Nalandà này sẽ được nhiều người tín kính Thế Tôn hơn nữa”.

– Này Kevaddha, có ba pháp thần thông này Ta đã tự mình giác ngộ và tuyên thuyết. Thế nào là ba? Tức là biến hóa thần thông, tha tâm thần thông, giáo hóa thần thông.

4. Này Kevaddha, thế nào là biến hóa thần thông? Này Kevaddha, ở đời có Tỷ-kheo chứng được các thần thông: một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân; hiện hình, biến hình đi ngang qua vách, qua tường, qua núi, như đi ngang qua hư không; độn thổ trồi lên, ngang qua đất liền như ở trong nước, đi trên nước không chìm như đi trên đất liền; ngồi kiết- già đi trên hư không như con chim; với hai bàn tay chạm và rờ mặt trời và mặt trăng; những vật có đại oai thần lực, đại oai thần như vậy, có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên. Có người tín thành thấy Tỷ-kheo ấy chứng hiện các thần thông: một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân: hiện hình, biến hình đi ngang qua vách, qua tường, qua núi như đi ngang qua hư không; độn thổ trồi lên, ngang qua đất liền như ở trong nước, đi trên nước không chìm như đi trên đất liền; ngồi kiết-già đi trên hư không như con chim, với bàn tay chạm và rờ mặt trời và mặt trăng; những vật có đại oai thần lực, đại oai thần như vậy, có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên.

5. Người có lòng tín thành ấy nói với một người không có lòng tín thành: “Này Tôn giả, thật vi diệu thay! Này Tôn giả, thật hy hữu thay, đại thần thông, đại oai đức của vị Sa-môn! Chính tôi đã thấy vị Tỷ-kheo chứng các thần thông, “một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân,… có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên”. Người không có lòng tín thành có thể nói với người có lòng tín thành: “Này Tôn giả, có một chú thuật gọi là Gandhhàrì. Nhờ chú thuật hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân… có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên”. Này Kevaddha, ngươi nghĩ thế nào? Người không có lòng tín thành có thể nói với người có lòng tín thành như vậy không?

– Bạch Thế Tôn, có thể nói như vậy.

– Này Kevaddha chính vì ta thấy sự nguy hiểm trong sự biến hóa thần thông mà ta nhàm chán, hổ thẹn, ghê sợ biến hóa thần thông.

6. Này Kevaddha, thế nào là tha tâm thần thông? Này Kevaddha, ở đời có Tỷ-kheo nói lên tâm, nói lên tâm sở, nói lên sự suy tầm nói lên sự suy tư của các loài hữu tình khác, của các người khác: “Như vậy là ý của Ngươi”. Có người có lòng tín thành thấy Tỷ-kheo nói lên tâm sở, nói lên sự suy tầm và nói lên sự suy tư của các loài hữu tình khác, của các người khác: “Như vậy là ý của Ngươi, thế này là ý của Ngươi, như vậy là tâm của Ngươi”.

7. Người có lòng tín thành ấy nói với một người không có lòng tín thành: “Này Tôn giả, thật vi diệu thay! Này Tôn giả, thật hy hữu thay đại thần thông, đại oai đức của vị Sa-môn! Chính tôi đã thấy Tỷ-kheo nói lên tâm, nói lên tâm sở, nói lên sự suy tầm và nói lên sự suy tư của các loài hữu tình khác, của các người khác: “Như vậy là ý của ngươi, thế này là ý của ngươi, như vậy là tâm của ngươi”. Người không có lòng tín thành có thể nói với người có lòng tín thành: “Này Tôn giả, có một chú thuật gọi là Maniko, nhờ chú thuật này, Tỷ-kheo nói lên tâm, nói lên tâm sở, nói lên sự suy tầm, và nói lên sự suy tư của các loài hữu tình khác, của các người khác… “Thế này là ý của Ngươi, như vậy là tâm của Ngươi”. Này Kevaddha, Ngươi nghĩ thế nào? Người không có lòng tín thành có thể nói với Ngươi có lòng tín thành như vậy không?

– Bạch Thế Tôn, có thể nói như vậy?

– Này Kevaddha chính Ta thấy sự nguy hiểm trong sự tha tâm thần thông mà Ta nhàm chán, hổ thẹn, ghê sợ tha tâm thần thông.

8. Này Kevaddha, thế nào là giáo hóa thần thông? Ở đời có Tỷ-kheo giáo hóa như sau: “Hãy suy tư như thế này, chớ có suy tư như thế kia; hãy tác ý như thế này, chớ có tác ý như thế kia; hãy trừ bỏ điều này, hãy chứng đạt và an trú điều kia”.

Này Kevaddha, như vậy gọi là giáo hóa thần thông.

9. Này Kevaddha, nay ở đời đức Như Lai xuất hiện là bậc A-la-hán Chánh Biến Tri… (đoạn kinh 9-43 tương tự như kinh Sa-môn quả, đoạn kinh số 40 – 74).

44. Khi quán tự thân đã xả ly năm triền cái ấy hân hoan sanh; do hân hoan nên hỷ sanh; do tâm hoan hỷ, thân được khinh an; do thân khinh an, lạc thọ sanh; do lạc thọ, tâm được định tĩnh. Vị Tỷ-kheo, ly dục, ly ác bất thiện pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh với tầm với tứ. Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân mình với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không có hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần.

45. Này Kevaddha, như một người hầu tắm lão luyện hay đệ tử người hầu tắm. Sau khi rắc bột tắm trong thau bằng đồng, liền nhồi bột ấy với nước, cục bột tắm ấy được thấm nhuần nước ướt, nhào trộn với nước ướt, thấm ướt cả trong lẫn ngoài với nước, nhưng không chảy thành giọt. Cũng vậy, này Kevaddha, Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân hình với hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần. Này Kevaddha, như vậy gọi là giáo hóa thần thông.

50…. chứng và trú thiền thứ tư… (như kinh Sa-môn quả, đoạn kinh số 77 – 81, trừ câu kết sau chót mỗi chương). Này Kevaddha như vậy gọi là giáo hóa thần thông.

52. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ xử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, vị Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến chánh trí, chánh kiến… (như kinh Sa-môn quả, đoạn kinh số 83)… Này Kevaddha, như vậy gọi là giáo hóa thần thông.

53…. sau đời hiện tại, không có đời sống nào khác nữa… (xem kinh Sa-môn quả, đoạn kinh số 84 – 98), trừ câu kết sau chót của mỗi chương). Này Kevaddha, như vậy là giáo hóa thần thông.

67. Này Kevaddha, ba pháp thần thông này, Ta đã tự mình giác ngộ và tuyên thuyết. Này Kevaddha thuở xưa, chính một Tỷ-kheo có khởi nghi vấn như sau: “Trong Tỷ-kheo chúng này – địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại – đi đâu sau khi biến diệt hoàn toàn?” Này Kevaddha, vị Tỷ-kheo ấy nhập định, và trong định tâm, con đường đưa đến Thiên giới hiện ra.

68. Này Kevaddha, lúc bấy giờ vị Tỷ-kheo ấy đi đến Bốn Thiên vương thiên, khi đến xong, liền nói với các vị Bốn Thiên vương thiên: “Này các Hiền giả, bốn đại chủng này: địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại đi đâu sau khi biến diệt hoàn toàn?”.

Này Kevaddha, được nghe nói vậy Bốn Thiên vương thiên nói với vị Tỷ-kheo ấy: “Này Tỷ-kheo, chúng tôi không được biết bốn đại chủng ấy – địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại – đi đâu sau khi biến diệt hoàn toàn”. Này Tỷ-kheo, có bốn Ðại vương ưu thế hơn và thù thắng hơn chúng tôi. Những vị này có thể biết bốn đại chủng này, địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại đi đâu sau khi biến diệt hoàn toàn.

69. Này Kevaddha, vị Tỷ-kheo đi đến bốn vị Ðại vương, khi đến xong liền hỏi bốn vị Ðại Thiên vương: “Này các Hiền giả, bốn đại chủng này – địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại – đi đâu sau khi biến diệt hoàn toàn?”.

Này Kevaddha, được nghe nói vậy, cả bốn vị Ðại vương nói với vị Tỷ-kheo ấy: “Này Tỷ-kheo, chúng tôi không được biết bốn đại chủng ấy – địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại – đi đâu sau khi biến diệt hoàn toàn. Này vị Tỷ-kheo, có Ba mươi ba thiên ưu thế hơn, thù thắng hơn chúng tôi. Những vị này có thể biết bốn đại chủng này – địa đại… phong đại – đi đâu sau khi biến diệt hoàn toàn”.

70. Này Kevaddha, vị Tỷ-kheo ấy đi đến các vị Ba mươi ba thiên, khi đến xong, liền hỏi các vị Ba mươi ba thiên, “Này các Hiền giả, bốn đại chủng này – địa… phong đại – đi đâu, sau khi biến diệt hoàn toàn?”.

Này Kevaddha, được nghe nói vậy, các vị Ba mươi ba thiên nói với vị Tỷ-kheo ấy: “Này Tỷ-kheo, chúng tôi không được biết bốn đại chủng ấy – địa đại … phong đại – đi đâu, sau khi biến diệt hoàn toàn. Này Tỷ-kheo, có vị Ðế thích chư thiên tên là Sakka ưu thế hơn, thù thắng hơn chúng tôi. Vị này có thể biết bốn đại chủng này – địa đại… phong đại – đi đâu sau khi biến diệt hoàn toàn.”

71. Này Kevaddha, Tỷ-kheo ấy đi đến Ðế thích chư thiên tên là Sakka, khi đến xong, liền hỏi Ðế thích chư thiên tên là Sakka: “Này Hiền giả, bốn đại chủng này – địa đại… phong đại – đi đâu, sau khi biến diệt hoàn toàn?”.

Này Kevaddha, được nghe nói vậy, Ðế thích chư Thiên tên là Sakka nói với Tỷ-kheo ấy: “Này Tỷ-kheo, tôi không được biết bốn đại chủng ấy – địa đại… phong đại – đi đâu, sau khi biến diệt hoàn toàn. Này Tỷ-kheo, có chư Thiên tên là Yàma (Dạ-ma) ưu thế hơn, thù thắng hơn tôi. Vị này có thể biết bốn đại chủng này – địa đại… phong đại – đi đâu, sau khi biến diệt hoàn toàn”.

72. Này Kevaddha, Tỷ-kheo ấy đi đến chư Thiên tên là Yàma (Dạ-ma) xong, liền hỏi chư Thiên Dạ-ma: “Này các Hiền giả, bốn đại chủng này – địa đại… phong đại – đi đâu, sau khi biến diệt hoàn toàn?”.

Này Kevaddha, được nghe nói vậy, chư Thiên Yàma (Dạ-ma) nói với Tỷ-kheo. “Chúng tôi không được biết bốn đại chủng ấy – địa đại… phong đại – đi đâu, sau khi biến diệt hoàn toàn. Này Tỷ-kheo, có Thiên tử tên là Suyàma ưu thế hơn, thù thắng hơn chúng tôi. Vị này có thể biết bốn đại chủng này – địa đại… phong đại – đi đâu, sau khi biến diệt hoàn toàn.”

73. Này Kevaddha, Tỷ-kheo ấy đi đến Thiên tử Suyàma, sau khi đến liền hỏi Thiên tử Suyàma: “Này Hiền giả, bốn đại chủng này – địa đại… phong đại – đi đâu, sau khi biến diệt hoàn toàn?”

Này Kevaddha, được nghe nói vậy Thiên tử Suyàma nói với Tỷ-kheo ấy: “Này Tỷ-kheo, tôi không được biết bốn đại chủng này – địa đại… phong đại – đi đâu, sau khi biến diệt hoàn toàn. Này Tỷ-kheo, có Thiên tử tên là Tusità ưu thế hơn, thù thắng hơn chúng tôi. Vị này có thể biết bốn đại chủng này – địa đại… phong đại – đi đâu, sau khi biến diệt hoàn toàn.”

74. Này Kevaddha, Tỷ-kheo ấy đi đến chư Thiên Tusità. Khi đến xong, liền hỏi chư Thiên Tusità: “Này các Hiền giả, bốn đại chủng này – địa đại… phong đại – đi đâu, sau khi biến diệt hoàn toàn?”.

Này Kevaddha, được nói vậy chư Thiên Tusità nói với Tỷ-kheo ấy: “Này Tỷ-kheo, chúng tôi không được biết bốn đại chủng ấy – địa đại… phong đại – đi đâu, sau khi biến diệt hoàn toàn. Này Tỷ-kheo, có Thiên tử tên là Santusita ưu thế hơn, thù thắng hơn chúng tôi. Vị này có thể biết bốn đại chủng này – địa đại … phong đại – đi đâu, sau khi biến diệt hoàn toàn”.

75. Này Kevaddha, Tỷ-kheo ấy đi đến Thiên tử Santusita. Khi đến xong, liền hỏi Thiên tử Santusita: “Này Hiền giả, bốn đại chủng này – địa đại… phong đại – đi đâu, sau khi biến diệt hoàn toàn?”.

Này Kevaddha, được nghe nói vậy, Thiên tử Santusita nói với Tỷ-kheo ấy: “Này Tỷ-kheo, tôi không được biết bốn đại chủng ấy – địa đại… phong đại – đi đâu, sau khi biến diệt hoàn toàn. Này vị Tỷ-kheo có chư Thiên tên là Nimmànarati (Hóa lạc thiên) ưu thế hơn, thù thắng hơn tôi. Những vị này có thể biết bốn đại chủng này – địa đại… phong đại – đi đâu, sau khi biến diệt hoàn toàn”.

76. Này Kevaddha, Tỷ-kheo ấy đi đến chư Thiên Nimmànarati. Khi đến xong, liền hỏi chư Thiên Nimmànarati: “Này các Hiền giả, bốn đại chủng này – địa đại… phong đại – đi đâu sau khi biến diệt hoàn toàn?”.

Này Kevaddha, được nghe nói vậy, chư Thiên Nimmànarati nói với Tỷ-kheo ấy: “Này Tỷ-kheo chúng tôi không được biết bốn đại chủng ấy – địa đại… phong đại – đi đâu, sau khi biến diệt hoàn toàn. Này Tỷ-kheo có Thiên tử tên là Sunimmita ưu thế hơn, thù thắng hơn chúng tôi. Vị này có thể biết bốn đại chủng này – địa đại… phong đại – đi đâu, sau khi biến diệt hoàn toàn”.

77. Này Kevaddha, Tỷ-kheo ấy đi đến Thiên tử Sunimmita. Khi đến xong, liền hỏi Thiên tử Sunimmita. “Này Hiền giả, bốn đại chủng này – địa đại… phong đại – đi đâu, sau khi biến diệt hoàn toàn?”.

Này Kevaddha, được nghe nói vậy, Thiên tử Sunimmita nói với Tỷ-kheo ấy: “Này Tỷ-kheo, tôi không được biết bốn đại chủng ấy – địa đại… phong đại – đi đâu, sau khi biến diệt hoàn toàn. Này Tỷ-kheo có chư thiên gọi là Paranimmitavasavatti (Tha hóa tự tại thiên) ưu thế hơn, thù thắng hơn tôi. Những vị này có thể biết bốn đại chủng này – địa đại… phong đại – đi đâu sau khi biến diệt hoàn toàn”.

78. Này Kevaddha, Tỷ-kheo ấy đi đến chư Thiên Paranimmitavasavatti, khi đến xong, liền hỏi chư Thiên Paranimmitavasavatti: “Này các Hiền giả, bốn đại chủng này – địa đại… phong đại – đi đâu, sau khi biến diệt hoàn toàn?”.

Này Kevaddha, được nghe nói vậy chư Thiên Paranimmitavasavatti nói với Tỷ-kheo ấy: “Này Tỷ-kheo, tôi không được biết – địa đại… phong đại – đi đâu, sau khi biến diệt hoàn toàn. Này Tỷ-kheo có Thiên tử tên là Vasavatti ưu thế hơn, thù thắng hơn chúng tôi. Vị này có thể biết bốn đại chủng này – địa đại… phong đại – đi đâu, sau khi biến diệt hoàn toàn”.

79. Này Kevaddha, Tỷ-kheo ấy đi đến Thiên tử Vasavatti. Khi đến xong, liền hỏi Thiên tử Vasavatti: “Này Hiền giả, bốn đại chủng này – địa đại… phong đại – đi đâu, sau khi biến diệt hoàn toàn?”.

Này Kevaddha, được nghe nói vậy, Thiên tử Vasavatti nói với Tỷ-kheo ấy. “Này Tỷ-kheo, chúng tôi không được biết bốn đại chủng ấy – địa đại… phong đại – đi đâu, sau khi biến diệt hoàn toàn. Này Tỷ-kheo, có chư Thiên gọi là Brahmà Kayikà ưu thế hơn, thù thắng hơn chúng tôi. Những vị này có thể biết bốn đại chủng này – địa đại… phong đại – đi đâu, sau khi biến diệt hoàn toàn”.

80. Này Kevaddha, lúc bấy giờ, Tỷ-kheo ấy nhập định, và trong định tâm, con đường đưa đến Phạm thiên giới hiện ra.

Này Kevaddha, Tỷ-kheo ấy đi đến chư Thiên Brahmà Kayikà: “Này các Hiền giả, bốn đại chủng này – địa đại… phong đại – đi đâu, sau khi biến diệt hoàn toàn?”.

Này Kevaddha, được nghe nói vậy, chư Thiên Brahmà Kayikà nói với Tỷ-kheo ấy: “Này Tỷ-kheo, chúng tôi không được biết bốn đại chủng ấy – địa đại… phong đại – đi đâu, sau khi biến diệt hoàn toàn. Này Tỷ-kheo, có vị Phạm thiên, Ðại Phạm thiên, đấng Toàn năng, Tối thắng, Biến nhãn, Thượng tôn, Thượng đế, Sáng tạo chủ, Hóa sanh chủ, Ðại tôn, Chúa tể mọi định mạng, đấng Tự tại, Tổ phụ các chúng sanh đã và sẽ sanh. Vị này ưu thế hơn, thù thắng hơn chúng tôi. Vị này có thể biết bốn đại chủng này địa đại… phong đại – đi đâu, sau khi biến diệt hoàn toàn”.

– Này Hiền giả, hiện nay Ðại Phạm thiên ấy ở đâu?

– Này Tỷ-kheo, chúng tôi không biết Phạm thiên ở đâu, vì sao có Phạm thiên và Phạm thiên từ đâu đến. Nhưng này Tỷ-kheo, khi nào triệu tướng hiện, khi nào ánh sáng sanh, khi nào hào quang hiển, thời Phạm thiên xuất hiện. Ánh sáng xanh, hào quang hiển là tướng Phạm thiên xuất hiện từ trước là như vậy.

81. Này Kevaddha, không bao lâu, Ðại Phạm thiên xuất hiện. Lúc bấy giờ, này Kevaddha, Tỷ-kheo ấy đến Ðại Phạm thiên. Khi đến xong, liền hỏi Phạm thiên: “Này Hiền giả, bốn đại chủng này – địa đại… phong đại – đi đâu, sau khi biến diệt hoàn toàn?” – Này Kevaddha, được nghe nói vậy, Ðại Phạm thiên nói với Tỷ-kheo ấy: “Này Tỷ-kheo, Ta là Phạm thiên, Ðại Phạm thiên, đấng Toàn năng, Tối thắng, Biến nhãn, Thượng tôn, Thượng đế, Sáng tạo chủ, Hóa sanh chủ, Ðại tôn, Chúa tể mọi định mạng, đấng Tự tại, Tổ phụ các chúng sanh đã và sẽ sanh”.

82. Này Kevaddha, lần thứ hai Tỷ-kheo ấy nói với Phạm thiên: “Này Hiền giả, tôi không hỏi: “Ngài có phải là Phạm thiên, Ðại Phạm thiên, đấng Toàn năng, Tối thắng, Biến nhãn, Thượng tôn, Thượng đế, Sáng tạo chủ, Hóa sanh chủ, Ðại tôn, Chúa tể mọi định mạng, đấng Tự tại, Tổ phụ các chúng sanh đã và sẽ sanh”. Này Hiền giả, tôi hỏi: “Này Hiền giả, bốn đại chủng này – địa đại… phong đại – đi đâu, sau khi biến diệt hoàn toàn?”.

Này Kevaddha, lần thứ hai, Ðại Phạm thiên ấy nói với Tỷ-kheo ấy: “Này Tỷ-kheo, ta là Phạm thiên, Ðại Phạm thiên, đấng Toàn năng, Tối thắng, Biến nhãn, Thượng tôn, Thượng đế, Sáng tạo chủ, Hóa sanh chủ, Ðại tôn, Chúa tể mọi định mạng, đấng Tự tại, Tổ phụ các chúng sanh đã và sẽ sanh”.

83. Này Kevaddha, lần thứ ba, Tỷ-kheo ấy nói với Phạm thiên: “Này Hiền giả, tôi không hỏi: “Ngài có phải là Phạm thiên, Ðại Phạm thiên, đấng Toàn năng, Tối thắng, Biến nhãn, Thượng tôn, Thượng đế, Sáng tạo chủ, Hóa sanh chủ, Ðại tôn, Chúa tể mọi định mạng, đấng Tự tại, Tổ phụ các chúng sanh đã và sẽ sanh”. Này Hiền giả, tôi hỏi: “Này Hiền giả, bốn đại chủng ấy, – địa đại… phong đại – đi đâu, sau khi biến diệt hoàn toàn?”.

Này Kevaddha, khi bấy giờ Ðại Phạm thiên cầm tay Tỷ-kheo ấy, kéo ra một bên rồi nói với Tỷ-kheo: “Này Tỷ-kheo, chư Thiên Brahmà Kayikà xem rằng không có gì Phạm thiên không thấy, không có gì Phạm thiên không hiểu, không có gì Phạm thiên không chứng. Do vậy, trước mặt chúng, ta không có trả lời: “Này Tỷ-kheo, ta không được biết bốn đại chủng ấy – địa đại… phong đại – đi đâu, sau khi biến diệt hoàn toàn”. Do vậy, này Tỷ-kheo, Ngươi đã làm sai, Ngươi đã lầm lẫn, khi Ngươi bỏ qua Thế Tôn, hướng đến người khác để trả lời câu hỏi ấy. Này Tỷ-kheo, Ngươi hãy đi đến Thế Tôn hỏi câu hỏi ấy, và hãy thọ trì những gì Thế Tôn trả lời”.

84. Này Kevaddha, Tỷ-kheo ấy, như nhà đại lực sĩ duỗi ra cánh tay đã co lại, hay co lại cánh tay đã duỗi ra, biến mất ở Phạm thiên giới và hiện ra trước mặt Ta. Này Kevaddha, Tỷ-kheo ấy đảnh lễ Ta và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, này Kevaddha, Tỷ-kheo ấy nói với Ta: “Bạch Thế Tôn, bốn đại chủng này, – địa đại… phong đại – đi đâu, sau khi biến diệt hoàn toàn?”.

85. Này Kevaddha, được nghe nói vậy, Ta nói với Tỷ-kheo ấy: “Này Tỷ-kheo, thuở xưa các hải thương khi đi thuyền vượt biển thường đem theo con chim có thể thấy bờ. Khi chiếc thuyền vượt biển quá xa không trông thấy bờ, các nhà hải thương liền thả con chim có thể thấy bờ. Con chim bay về phía Ðông, bay về phía Nam, bay về phía Tây, bay về phía Bắc, bay lên Trên, bay về các hướng Trung gian. Nếu con chim thấy bờ xung quanh, con chim liền bay đến bờ ấy. Nếu con chim không thấy bờ xung quanh, con chim bay trở về thuyền”. Cũng vậy, này Tỷ-kheo, Ngươi đã tìm cho đến Phạm thiên giới mà không gặp được câu trả lời cho câu hỏi ấy, nên nay trở về với Ta. Này Tỷ-kheo, câu hỏi không nên hỏi như sau: “Bạch Thế Tôn, bốn đại chủng ấy – địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại – đi đâu, sau khi biến diệt hoàn toàn?”. Này Tỷ-kheo, câu hỏi phải nói như sau:

“Chỗ nào mà địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại, dài ngắn, tế, thô, tịnh, bất tịnh không có chân đứng? Chỗ nào cả danh và sắc tiêu diệt hoàn toàn?” và đây là câu trả lời cho câu hỏi này:

“Thức là không thể thấy, vô biên, biến thông hết thảy xứ. Ở đây, địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại không có chân đứng.

Ở đây, cũng vậy dài, ngắn, tế, thô, tịnh và bất tịnh.

Ở đây danh và sắc tiêu diệt hoàn toàn.

Khi thức diệt, ở đây mọi thứ đều diệt tận”.

Thế Tôn thuyết như vậy. Kevaddha, cư sĩ trẻ tuổi hoan hỷ tín thọ lời dạy của Thế Tôn.



Source link

 

II. Phần lược giảng

 

III. Video giảng giải

 

.

Giáo Án Trường Bộ Kinh

Kinh Kiên Cố (Kevaddha Sutta)

Xuất Xứ:

Đức Phật đã thuyết giảng Pháp Thoại này cho một vị cư sĩ trẻ tuổi, tên là KEVADDHA, tại NÀLANDÀ, trong khu vườn PAVÀRIKAMBA.

Duyên Khởi:

Cư sĩ KEVADDHA đi đến yêu cầu đức Phật ba lần để cho vị tỳ khưu hiện bày Thượng Nhân Pháp, thần thông biến hóa để gây lòng tin cho đông đảo quần chúng đang cư trú tại NÀLANDÀ. Và đức Phật đã bác bỏ lời yêu cầu hiện bày Thượng Nhân Pháp cho các vị cư sĩ áo trắng.

Chánh Kinh:

Đức Phật nêu quan điểm của Ngài về ba loại thần thông (thắng trí)

Có ba loại thần thông mà đức Phật đã tự giác chứng và tuyên thuyết: Biến Hóa Thần Túc Thông, Tha Tâm Thần Thông, và Giáo Hóa Thần Thông.

  1. Biến Hóa Thần Túc Thông: Còn gọi là Thắng Trí với nhiều phép lạ như là một thân hiện ra nhiều thân, đi ngang qua vách núi, ngang qua hư không, thăng thiên độn thổ, đi trên nước không chìm, ngồi kiết già đi trên hư không như con chim, với hai bàn tay rờ chạm mặt trời, mặt trăng, có thể tự thân bay đến cõi Phạm Thiên.
  2. Tha Tâm Thần Thông: Còn gọi là Thắng Trí, hiểu biết tư tưởng của người khác, nói lên Tâm, nói lên Tâm Sở, nói lên sự suy tầm, nói lên sự suy tư của các loài hữu tình khác, của các người khác.
  3. Giáo Hóa Thần Thông: Tức là Thắng Trí, những lời giảng dạy giáo hóa theo Tam Vô Lậu Học, GIỚI–ĐỊNH–TUỆ.

Đức Phật đã chứng đạt ba loại Thắng Trí trên, tuy nhiên, Ngài đã bác bỏ hai loại Thắng Trí đầu, mà chỉ tán thán duy nhất loại Giáo Hóa Thần Thông.

Ngài cho biết rằng với một người thông thạo chú thuật GANDHÀRÌ thì cũng có thể biến hóa được nhiều phép lạ như loại Thần Túc Thông. Chính do đó, đức Phật thấy sự nguy hiểm trong sự Biến Hóa Thần Túc Thông, khởi tâm nhàm chán, hổ thẹn, ghê sợ Biến Hóa Thần Túc Thông.

Ngài cũng cho biết với một người thông thạo chú thuật MANIKÀ thì cũng có thể biết được tâm tánh của các loài hữu tình khác, của các người khác, như loại Tha Tâm Thần Thông. Chính do đó, đức Phật thấy sự nguy hiểm trong sự hiện bày Tha Tâm Thông, khởi tâm nhàm chán, hổ thẹn, ghê sợ Tha Tâm Thần Thông.

Duy chỉ có Giáo Hóa Thần Thông là thù thắng vi diệu (tương tự trong bài kinh Quả Báo Sa Môn).

Đức Phật thuật chuyện vị tỳ khưu tìm hiểu dấu tích của Tứ Đại sau khi biến  diệt hoàn toàn

  1. Thuở xưa, vì muốn hiểu biết Tứ Đại sẽ đi về đâu sau khi đã biến diệt hoàn toàn, một vị tỳ khưu đã nhập Định, và trong Định Tâm đã đi đến các Thiên Giới để vấn hỏi các Chư Thiên trong các tầng Thiên Giới.
  2. Từ Tứ Thiên Vương Thiên, vị tỳ khưu vấn hỏi về Tứ Đại sẽ đi về đâu sau khi đã biến diệt hoàn toàn. Các vị Tứ Thiên Vương Thiên đều không được rõ biết và giới thiệu lên cõi Tam Thập Tam Thiên (Đao Lợi Thiên).
  3. Tương tự như thế, từ Thiên Chủ SAKKA ở cõi Đao Lợi Thiên
  • đến Thiên Tử SUYÀMO ở cõi Dạ Ma Thiên,
  • đến Thiên Tử SANTUSITA ở cõi Đâu Xuất Đà Thiên,
  • đến Thiên Tử SUNIMMITA ở cõi Hóa Lạc Thiên,
  • đến Thiên Tử VASAVATTI ở cõi Tha Hóa Tự Tại.
  1. Tương tự như thế, đi đến cõi Phạm Thiên Sắc Giới, vị tỳ khưu ấy đến vấn hỏi các vị Phạm Thiên, Đại Phạm Thiên, cũng đều không rõ biết dấu tích của Tứ Đại sau khi đã biến diệt hoàn toàn.
  2. Và cuối cùng, vị Đại Phạm Thiên đã nói với vị tỳ khưu ấy, “Đã làm sai, đã lầm lẫn khi bỏ qua đức Thế Tôn, hướng đến người khác, để trả lời câu hỏi ấy. Hãy đi đến vấn hỏi đức Thế Tôn thì sẽ được rõ biết vấn đề này.”

Đức Phật điều chỉnh câu hỏi và giải đáp thắc mắc

  1. Với sự kiện quay trở về cõi Nhân Loại và đi đến vấn hỏi đức Phật, cũng ví như chuyến đi buôn trên biển cả với những con chim tìm thấy bờ, khi được thả ra, nó bay khắp mọi phương hướng (Đông, Tây, Nam, Bắc) để bay đến bờ, nêu không thấy được bờ thì chim sẽ quay trở lại con tàu. Cũng như thế, vị tỳ khưu này đã đi cùng khắp các tầng Chư Thiên Dục Giới cho đến Phạm Thiên Sắc Giới Thiên, tuy nhiên, vẫn không tìm được câu trả lời thích hợp, nên cuối cùng đã đi đến đức Phật và nêu lên câu hỏi ngõ hầu được giải đáp thắc mắc.
  2. Đức Phật đã điều chỉnh lại câu hỏi như sau:
  • “Chỗ nào mà Thủy Đại, Địa Đại, Hỏa Đại, Phong Đại, dài ngắn, thô tế, tịnh và bất tịnh, không có chân đứng?”
  • “Chỗ nào cả Danh và Sắc tiêu diệt hoàn toàn?” Và đây là câu trả lời cho câu hỏi này:
  • “Thức là không thể thấy, vô biên, biến thông hết thảy xứ. Ở đây, Thủy Đại, Địa Đại, Hỏa Đại, Phong Đại, không có chân đứng.”
  • “Ở đây, cũng vậy, dài ngắn, thô tế, tịnh và bất tịnh không có chân đứng.”
  • “Ở đây, Danh và Sắc tiêu diệt hoàn toàn.”
  • “Khi Thức diệt ở đây, mọi thứ đều diệt tận.”

Và như thế, đức Phật cho biết rằng, “ Tứ Đại và Tứ Đại Chủng không có chân đứng trong Tâm của vị A La Hán. Khi Thức diệt, thì Tứ Đại Chủng bất tịnh, và Danh Sắc tiêu diệt hoàn toàn.”

Kết Luận:

Cư sĩ trẻ tuổi KEVADDHA hoan hỷ tín thọ lời dạy của đức Thế Tôn.

*Các bài trích trong cuốn Giáo Án Trường Bộ Kinh của Tỳ Khưu PASÀDO Sán Nhiên. Nguồn Vietheravada.

© Nikaya Tâm Học 2024. All Rights Reserved. Designed by Nikaya Tâm Học

Giới thiệu

Nikaya Tâm Học là cuốn sổ tay internet cá nhân về Đức Phật, cuộc đời Đức Phật và những thứ liên quan đến cuộc đời của ngài. Sách chủ yếu là sưu tầm , sao chép các bài viết trên mạng , kinh điển Nikaya, A Hàm ... App Nikaya Tâm Học Android
Live Statistics
43
Packages
65
Dropped
18
Invalid

Tài liệu chia sẻ

  • Các bài kinh , sách được chia sẻ ở đây

Những cập nhật mới nhất

Urgent Notifications