Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại làng Na-lan-đà (Nàlanda), trong khu rừng Pàvàrikambavana. Lúc bấy giờ, tôn-giả Xá-lợi-phất (Sariputta) đến bạch với Thế-Tôn: ”Bạch Thế-Tôn, con tin-tưởng Thế-Tôn đến nỗi con nghĩ rằng, trong quá-khứ, hay tương-lai cũng như ngay trong hiện-tại, chẳng thể có một vị Sa-môn, Bà-la-môn nào vĩ-đại hơn Thế-Tôn về phương-diện giác-ngộ.” Đức Phật quở tôn-giả đã ”đại-ngôn”, trong khi còn chưa biết được tâm-tư của chư vị Thế-Tôn, lại quá gan-dạ ”rống lên tiếng rống của con sư-tử ” !
Trong bản Kinh nầy, bằng lời-lẽ chơn-thành, với tấm lòng ngưỡng-mộ sâu-xa vào đức Bổn-sư, tôn-giả Xá-lợi-phất đã lần-lượt trình-bày các điều mình nhận-xét về truyền-thống Chánh-Pháp mà Thế-Tôn đã khéo thuyết-giảng cho các Tỳ-kheo khéo hành-trì: các thiện-pháp trong 37 phẩm trợ-đạo, các vấn-đề nhập thai, ký-tâm, kiến-định, tinh-tấn trong đạo-hạnh, giới-hạnh, phương-pháp giảng-dạy, thường-trú-luận, túc-mạng-trí, sanh-tử-trí, các loại thần-thông, v.v… Vì thấy rõ và biết chắc Thế-Tôn đã chứng-đạt tất cả các pháp Ngài giảng-dạy, và nếu muốn, Ngài có thể”đạt được đầy-đủ và dễ-dàng sự an-lạc hạnh-phúc ngay trong hiện-tại, do bốn cấp Thiền-định mang lại.”, nên Tôn-giả mới dám nói lên lời nói ”đại-ngôn” ở trên: chẳng có ai vượt thắng Ngài nỗi, kể từ xưa cho đến nay và cả trong tương-lai nữa. Đức Phật lắng nghe và khen Tôn-giả đã trả lời Ngài một cách thuận pháp và đúng pháp.
Do đó, Kinh nầy mới mang tên Tự Hoan-Hỷ, để nói lên lòng hoan-hỷ của tôn-giả Xá-lợi-phất đối với Thế-Tôn.