Layout Options

Header Options

  • Choose Color Scheme

Sidebar Options

  • Choose Color Scheme

Main Content Options

  • Page Section Tabs
  • Light Color Schemes
Tìm kiếm nhanh

Giới thiệu Kinh Trung Bộ - Hòa thượng Thích Minh Châu

 

Lời Nói Đầu
(trong bản in lần thứ nhất năm 1973)


Tập Kinh Trung Bộ (Majjhima Nikàya) gồm 152 kinh tất cả, chia thành 3 tập : tập I, gồm 50 Kinh đầu, tập II gồm 50 Kinh tiếp và tập III, gồm 52 Kinh chót.

Sau khi dịch xong Kinh Trường Bộ (Digha Nikàya), Vu Lan 2516 (23-8-1972), tôi dịch tiếp Kinh Trung Bộ.

Tôi dựa theo nguyên bản Pàli của Hội Pàli Text Society để phiên dịch và dùng ba bản dịch làm tài liệu. Tài liệu thứ nhất là những ghi chú bằng tiếng Anh và chữ Hán, tôi đã tự mình ghi vào bản Pàli, từng chữ, từng hàng, từng trang một, khi tôi theo học bản Pàli này, từ năm 1952 đến năm 1955 tại Hội Dharmaduta Vidhyalaya ở Colombo, Tích Lan, do Ngài Pannananda diễn giảng. Bản tài liệu thứ hai là bản dịch "The Middle Length Sayings" của Cô L. B. Horner, hội Pàli Text Society, một công trình dịch thuật rất chu toàn; và bản thứ ba là bản dịch ra tiếng Nhật của bộ Nam truyền Đại Tạng Kinh. Thỉnh thoảng tôi tham khảo các bản kinh Hán Tạng tương đương nếu thấy cần thiết.

Vấn đề tìm được Hán tự tương đương với chữ Pàli, thật là một vấn đề nan giải. Như biết Pancak Khandha là năm uẩn, Rùpa là Sắc, Vedanà là Thọ, Sannà là Tưởng, Sankhàrà là Hành và Vinnàna là Thức, thời dịch vừa gọn, vừa nhanh. Nhưng nếu gặp những danh từ chưa có chữ Hán tương đương là cả một vấn đề thật khó khăn và nan giải.

Các bài Kinh chữ Hán tương đương trong bộ Trung A Hàm không giúp đỡ được nhiều. Ngài Sanghadeva (Tăng Già Đề Bà) dịch Trung A Hàm vào năm 398 sau kỷ nguyên, nên nhiều danh từ Ngài dùng không được các dịch giả về sau như Ngài Huyền Trang chấp nhận. Như Vedana, Ngài Sanghadeva dịch là Giác, về sau dịch là Thọ; Savitakka, Savicara, Ngài dịch là Hữu giác, Hữu quán, về sau dịch là Hữu tầm, Hữu tứ; Phassa Ngài dịch là Cánh Lạc, về sau dịch là Xúc. Cho nên, bản Hán Tạng nhiều khi tối nghĩa và dễ phát sinh hiểu lầm, nếu chúng ta không có bản Pàli tương đương.

Chúng tôi dịch Kinh Pàli, không vì mục đích muốn ủng hộ hay không muốn ủng hộ một học phái nào, một lập trường nào. Mục đích của chúng tôi chỉ muốn giới thiệu những Kinh điển có thể được xem là nguyên thủy hay gần nguyên thủy nhất, để người đọc có thể tìm hiểu lời dạy chân chính của đức Phật, khỏi qua ống kính của một học phái nào, dầu là Ấn Độ, Trung Hoa hay Việt Nam. Chúng tôi cũng không có trách nhiệm nêu lên cho độc giả rõ, đoạn nào là nguyên thủy, đoạn nào không phải nguyên thủy. Chỉ có người đọc, sau khi tự mình đọc, từ mình tìm hiểu, tự mình suy tư, tự mình quan sát, tự mình chứng nghiệm trên bản thân, mới có thể tự mình tìm hiểu và thấy đoạn nào là thật sự nguyên thủy. Trách nhiệm tìm hiểu, chứng nghiệm cá nhân là trách nhiệm của người đọc, không phải của người dịch, vì Đạo Phật là Đạo đến để mà thấy chớ không phải Đạo đến để nhờ người thấy hộ, Đạo của người có mắt (Cakkhumato), không phải Đạo của người nhắm mắt; Đạo của người thấy, của người biết (Passato Jànato), không phải là Đạo của người không thấy, không biết (Apassato Ajànato). Nên chỉ có người đọc mới có thể tự mình thấy, tự mình hiểu và tự mình chứng nghiệm.

Thật sự chúng ta chỉ có một trách nhiệm, tìm đọc và tìm hiểu những lời Phật dạy thật sự là những lời dạy của đức Phật, và vì trách nhiệm ấy chúng tôi đã cố gắng phiên dịch Kinh Tạng Pàli ra Việt ngữ. Chúng ta chỉ cần đọc, cần suy tư chính chắn và rồi chính chúng ta tự ý thức đâu là những lời dạy trung thực của đức Bổn sư chúng ta.

Tỷ kheo Thích Minh Châu
Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1973

# Nội dung Nhân duyên Tài liệu
Kinh Trung Bộ 103.Kinh Nghĩ Như Thế Nào (Kinti sutta) (P. Kintisuttaṃ, H. 如何經). Đề cao vai trò của vị Đạo sư, đức Phật khuyên các Tăng sĩ siêng năng truyền bá 37 yếu tố giác ngộ. Để sống hạnh phúc trong cộng đồng, đức Phật khuyên không nên đào sâu sự bất đồng về quan điểm, cách hiểu, không phê phán, không khen mình, chê người; đề cao sự thực hành Chánh pháp để trải nghiệm hạnh phúc của Niết-bàn.

Địa điểm : Thế Tôn trú ở Kusinara, tại khu rừng Baliharana

Người giảng : Đức Phật

Đối tượng nghe : Các tỳ kheo

-
Kinh Trung Bộ 104Kinh Làng Sama (Sāmagāma sutta) (P. Sāmagāmasuttaṃ, H. 舍彌村經) tương đương Châu-na kinh.100 Khẳng định tranh chấp là khổ đau, đức Phật dạy phân tích các nguyên nhân của tranh chấp gồm phẫn nộ – sân hận, hiềm hận – não hại, tật đố – xan tham, gian manh – xảo trá, ác dục – tà kiến, cố chấp – khó thuyết phục. Đồng thời, đức Phật dạy 6 kỹ năng sống hòa hợp và 7 phương pháp vượt qua tranh chấp, bất đồng, nhằm góp phần xây dựng gia đình, cộng đồng và quốc gia hạnh phúc

Địa điểm : Thế Tôn trú ở giữa các vị Sakka (Thích Ca), tại Samagama (Xá-di thôn).

Người giảng : Đức Phật ( sự kiện Nigantha Nataputta vừa mới từ trần)

Đối tượng nghe : Tôn giả Ananda , Sa-di Cunda

-
Kinh Trung Bộ 105.Kinh Thiện Tinh (Sunakkhatta sutta) (P. Sunakkhattasuttaṃ, H. 善星經). Đức Phật dạy rằng lời tuyên bố chứng đắc trí tuệ, có trường hợp là đúng với sự thật và có khi là do ngã mạn nên nói khống. Theo đức Phật, để đạt được thắng trí, mọi người cần tu tập tâm bất động trước các cảnh, không chấp vào tính sở hữu, không để tham dục và sân hận chi phối, không ỷ lại chính mình, cam kết chữa lành mũi tên khổ đau bằng sự thực tập buông xả và không hận thù.

Địa điểm : Thế Tôn trú tại Vesali (Tỳ-xá-ly), ở Ðại Lâm, tại Trùng Các giảng đường (Kutagarasala).

Người giảng : Đức Phật

Đối tượng nghe : Sunakkhatta Licchaviputta (Thiện Tinh Ly-xa Tử)

-
Kinh Trung Bộ 106.Kinh Bất Động Lợi Ích (Anenjasappāya sutta) (P. Āneñjasappāyasuttaṃ, H. 不動利益 經) tương đương Tịnh bất động đạo kinh.101 Khẳng định rằng tham dục, về bản chất là vô thường, trống rỗng, kéo theo hệ lụy, đức Phật hướng dẫn kỹ năng sống bất động trước cảnh trong hiện tại như sau: (i) Tâm quảng đại; (ii) Không chấp dính thế giới vật chất nhờ thấy rõ tính tổ hợp 4 đại của chúng; (iii) Thường quán tưởng Vô sở hữu xứ; (iv) Thực tập tâm Vô sở hữu xứ; (v) Thực tập buông xả và không chấp vào xả.

Địa điểm : Thế Tôn trú giữa dân chúng Kuru (Câu-lâu). Kammassadhamma (Kiềm-ma-sắt-đàm) là thị trấn của dân chúng Kuru

Người giảng : Đức Phật

Đối tượng nghe : Tôn giả Ananda, các tỳ kheo

-
Kinh Trung Bộ 107.Kinh Ganaka Moggallāna (Ganakamoggallāna sutta) (P. Gaṇakamoggallānasuttaṃ, H. 算 數家目犍連經) tương đương Toán số Mục-kiền-liên kinh.102 Con đường tâm linh kết thúc khổ đau, chứng đắc Niết-bàn bắt đầu bằng sự huấn luyện đạo đức, sống chánh hạnh, giữ oai nghi, sợ hãi các lỗi nhỏ, làm chủ 6 giác quan, làm chủ việc ăn uống, chánh niệm và tỉnh thức trong mọi động tác, thực tập thiền định để tháo mở các trói buộc tâm gồm tham ái, sân hận, hôn trầm thùy miên, hối quá và hoài nghi. Ai thực hành theo sự chỉ đường của đức Phật sẽ đạt được giải thoát trong hiện đời

Địa điểm : Thế Tôn trú ở Savatthi, Pubbarama, nơi lâu đài của Migaramatu (Ðông Viên Lộc Mẫu Giảng đường)

Người giảng : Đức Phật

Đối tượng nghe : Bà-la-môn Ganaka Moggallana

-
Kinh Trung Bộ 108.Kinh Gopaka Moggallāna (Gopakamoggallāna sutta) (P. Gopakamoggallānasuttaṃ, H. 瞿 默目犍連經) tương đương Cù-mặc Mục-kiền-liên kinh.103 Noi gương đức Phật, người khai sáng con đường tỉnh thức, sau khi đức Phật qua đời, người tu Phật phải nương tựa vào chân lý Phật và đạo đức, sống trong chánh hạnh, hòa thuận, giữ đủ oai nghi, thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt; học rộng, hiểu Phật pháp nhiều; biết đủ với 4 vật dụng; thực tập thiền định; xem giáo hóa như phép mầu; nỗ lực kết thúc khổ đau, chứng đắc giác ngộ.

Địa điểm : Tôn giả Ananda trú ở Rajagaha (Vương Xá) tại Veluvana (Trúc Lâm), chỗ nuôi dưỡng các con sóc, khi Thế Tôn thị tịch không bao lâu.

Người giảng : Tôn giả Ananda

Đối tượng nghe : Bà-la-môn Gopaka Moggallana , Bà-la-môn Vassakara, vị đại thần nước Magadha ( Vua Ajatasattu được nhắc đến)

-
Kinh Trung Bộ 109.Ðại Kinh Mãn Nguyệt (Mahāpunnama sutta) (P. Mahāpuṇṇamasuttaṃ, H. 滿月大 經).104 Phân tích mắc xích khổ đau, đức Phật chỉ rõ sự dính mắc của thân thể, cảm giác, tri giác, tâm tư, nhận thức bắt đầu từ dục tham, tiếp xúc thiếu chánh niệm; đánh đồng thân và tâm là ngã. Ngài nhắc nhở người tu cần thấy rõ vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi các đối tượng giác quan, đồng thời hãy chuyển hóa tâm ngã mạn ngủ ngầm; thấy rõ vô thường để không chấp: “Cái này của tôi, cái này là tôi, cái này chính là tự ngã của tôi”, nhờ đó, vượt qua tất cả khổ đau.

Địa điểm : Thế Tôn ở tại Savatthi (Xá-vệ), Pubbarama (Ðông Viên), Migaramatupasada (Lộc Mẫu Giảng đường).

Người giảng : Đức Phật

Đối tượng nghe : Các tỳ kheo

-
Kinh Trung Bộ 110.Tiểu Kinh Mãn Nguyệt (Cūlapunnama sutta) (P. Cūḷapuṇṇamasuttaṃ, H. 滿月小 經).105 Nhận diện tác hại của sự bất chánh, đức Phật dạy kỹ năng trở thành người chân chánh, sống với chánh kiến, giao du người tốt; suy nghĩ việc thiện, nói sự thật và hữu ích, hành động chân chánh; có chánh tín, đề cao lương tâm, nghe chân lý Phật, tinh tấn làm việc thiện, tin sâu nhân quả và kiếp sau, thích bố thí giúp người; làm tất cả việc tốt nhất với phương pháp tốt nhất có thể, trở thành người hạnh phúc và hữu dụng.

Địa điểm : Thế Tôn trú ở Savatthi, tại Pubbarama (Ðông Viên), Migaramatupasada (Lộc Mẫu Giảng đường).

Người giảng : Đức Phật

Đối tượng nghe : Các tỳ kheo

-
Kinh Trung Bộ 111.Kinh Bất Đoạn (Anupada sutta) (P. Anupadasuttaṃ, H. 不斷經). Nhân dịp ca ngợi Tôn giả Sāriputta đạt được đại tuệ và tu thiền sâu sắc, đức Phật dạy các cấp thiền: (i) Hỷ lạc do xa lìa ái dục; (ii) Hỷ lạc do trụ định; (iii) An lạc do xả niệm hỷ; (iv) Thanh tịnh do xả tất cả niệm. Đồng thời, Phật khuyên tu tập 4 thiền vô sắc giới: (v) Hư không vô biên xứ; (vi) Thức vô biên xứ; (vii) Vô sở hữu xứ; (viii) Phi tưởng phi phi tưởng xứ; và Diệt thọ tưởng định; nhờ đó, vượt qua mọi trói buộc, đạt được giác ngộ, giải thoát

Địa điểm : Thế Tôn trú ở Savatthi (Xá-vệ), tại Jetavana (Kỳ-đà-lâm), tinh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc).

Người giảng : Đức Phật ( tôn giả Sariputa được nhắc đến và khen ngợi)

Đối tượng nghe : Các tỳ kheo

-
Kinh Trung Bộ 112.Kinh Sáu Thanh Tịnh (Chabbisodhana sutta) (P. Chabbisodhanasuttaṃ, H. 六淨經) tương đương Thuyết trí kinh.110 Bằng chánh trí, người tu sẽ giải thoát mình khỏi các lậu hoặc, vượt qua các chấp thủ về thân thể, cảm giác, tri giác, tâm tư, nhận thức; mắt và hình thái, tai và âm thanh, mũi với mùi, lưỡi với vị, thân với vật xúc chạm, ý với những gì được hình dung. Vượt qua ngã mạn tùy miên, người tu trở thành bậc chân tu; chặt đứt các trói buộc tâm (tham ái, sân hận, hôn trầm thùy miên, trạo cử hối quá, hoài nghi) và giải quyết khổ đau bằng 4 sự thật Thánh, sống hạnh phúc và thong dong trong đời

Địa điểm : Thế Tôn trú ở Savatthi, Jetavana, tại tinh xá ông Anathapindika.

Người giảng : Đức Phật

Đối tượng nghe : Các tỳ kheo

-
Kinh Trung Bộ 113.Kinh Chân Nhân (Sappurisa sutta) (P. Sappurisasuttaṃ, H. 善士經) tương đương Chân nhân kinh.106 Bất luận bối cảnh giai cấp và họ tộc, bậc chân tu theo Phật pháp sẽ đạt được an lạc, giải thoát và được sự kính trọng. Bậc chân tu không khen mình, chê người về sự nổi tiếng, 4 vật cúng dường, học pháp giỏi, giữ giới hạnh, thiểu dục và giản đơn, khất thực nuôi mạng thanh tịnh, sống ở nghĩa địa, ngủ dưới gốc cây, hết tham sân si, chứng 9 cấp thiền định, đạt được trí tuệ, giải phóng khổ đau.

Địa điểm : Thế Tôn trú ở Savatthi, Jetavana, tại tịnh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc)

Người giảng : Đức Phật

Đối tượng nghe : Các tỳ kheo

-
Kinh Trung Bộ 114.Kinh Nên Hành Trì, Không Nên Hành Trì (Sevitabba-asevitabba sutta) (P. Sevitabbaasevitabbasuttaṃ, H. 應習不應習經).107 Phật dạy tiêu chí đánh giá bản chất hành động trên nền tảng giá trị và tác hại, từ đó, nên làm và không nên làm. Bất cứ hành động thân, lời nói và các ý tưởng, hoặc khi các giác quan tiếp xúc trần cảnh mà làm tăng trưởng điều bất thiện, gây tạo khổ đau như thương tổn mạng sống, lấy của không cho, tà hạnh ngoại tình, nói láo, nói chia rẽ, nói thô ác, nói phù phiếm, vướng dính tham ái, giận dữ và tâm hãm hại…, con người nên nỗ lực từ bỏ, vượt qua. Ngược lại, đối với các hành động mang lại hạnh phúc và giá trị cho đời, con người nên theo đuổi như lý tưởng sống

Địa điểm : Thế Tôn trú ở Savatthi, Jetavana, tại tịnh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc

Người giảng : Đức Phật

Đối tượng nghe : Tôn giả Sariputa , các tỳ kheo

-
Kinh Trung Bộ 115.Kinh Ða Giới (Bahudhātuka sutta) (P. Bahudhātukasuttaṃ, H. 多界經) tương đương Đa giới kinh.108 Sau khi khẳng định người trí hiểu sâu về 6 giác quan, 6 đối tượng giác quan, 6 nhận thức giác quan và thuyết tương duyên, đức Phật chỉ ra lý do người ngu dễ bị sợ hãi, thất vọng và hoạn nạn trong khi người trí thì không. Người trí hiểu rõ lạc, khổ, hỷ, ưu, xả, vô minh; vượt qua dục tưởng, sân tưởng, hại tưởng; thành tựu chánh kiến, không phạm tội lỗi, nhất là 5 tội trọng; thấy rõ vô thường và vô ngã, nhờ đó, sống an vui trong

Địa điểm : Thế Tôn trú ở Savatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà Lâm), tại tịnh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc)

Người giảng : Đức Phật

Đối tượng nghe : Tôn giả Ananda , các tỳ kheo

-
Kinh Trung Bộ 116.Kinh Thôn Tiên (Isigili sutta) (P. Isigilisuttaṃ, H. 仙吞經).109 Tại núi Tiên (Isigili), Vương Xá, đức Phật ca ngợi vị Độc Giác, nhờ tu chánh đạo, trọn vẹn đạo đức, thiền định và trí tuệ, nên đã dứt sạch tham ái, nhổ mũi tên khổ đau, và tự chứng trí tuệ, đạt được giải thoát, đoạn tận tái sinh

Địa điểm : Thế Tôn trú tại Rajagaha (Vương Xá), trên núi Isigili (Thôn tiên).

Người giảng : Đức Phật ( Các vị Độc Giác Phật được nhắc đến từng trú ngự ở Thôn Tiên)

Đối tượng nghe : Các tỳ kheo

-
Kinh Trung Bộ 117.Ðại Kinh Bốn Mươi (Mahācattārīsaka sutta) (P. Mahācattārīsakasuttaṃ, H. 大四十經) tương đương Thánh đạo kinh.115 Đức Phật giảng chi tiết về Bát chánh đạo, gồm (i) Tầm nhìn chân chánh; (ii) Tư duy chân chánh; (iii) Lời nói chân chánh; (iv) Hành động chân chánh; (v) Nghề nghiệp chân chánh; (vi) Siêng năng chân chánh; (vii) Chánh niệm hiện tiền; (viii) Đại định nhất tâm, cũng như mối quan hệ giữa trí tuệ, đạo đức và thiền định. Tu tập Bát chánh đạo thông thường sẽ trở thành chân nhân, hưởng phúc báo. Tu tập rốt ráo Bát chánh đạo sẽ chứng quả Thánh nhân, kết thúc luân hồi

Địa điểm : Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà Lâm), tại tinh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc).

Người giảng : Đức Phật

Đối tượng nghe : Các tỳ kheo

-
Kinh Trung Bộ 118.Kinh Quán Niệm Hơi Thở (Anāpānasati sutta) (P. Ānāpānassatisuttaṃ, H. 入 出息念經).110 Đức Phật dạy 16 kỹ năng thở thiền mang lại an lạc, giải thoát, gồm: (i) Chánh niệm thân: Với hơi thở ra vào, biết rõ hơi thở dài hơi thở ngắn, cảm giác toàn thân, và an tịnh thân hành; (ii) Chánh niệm cảm giác: Làm chủ hoan hỷ, hạnh phúc, cảm nhận tâm hành và an tịnh tâm hành; (iii) Chánh niệm tâm: Cảm nhận tâm, tâm hân hoan, tâm định tĩnh, tâm giải thoát; (iv) Chánh niệm về pháp: Quán vô thường, quán ly dục, quán tịch diệt và quán xả ly. Phối hợp với 7 yếu tố giác ngộ, người tu thiền sẽ đạt sự giải thoát khỏi khổ đau.

Địa điểm : Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ), tại Ðông Viên (Pubbarama), giảng đường Lộc Mẫu (Migaramatupasade),

Người giảng : ( cùng với Tôn giả Sariputta (Xá-lợi-phất), Tôn giả Mahamoggallana (Ðại Mục-kiền-liên), Tôn giả Mahakaccayana (Ðại Ca-chiên-diên), Tôn giả Mahakotthita (Ðại Câu-hy-la), Tôn giả Mahakappina (Ðại Kiếp-tân-na), Tôn giả Mahacunda (Ðại Thuần-đà), Tôn giả Anuruddha (A-na-luật), Tôn giả Revata (Ly-bà-đa) và Tôn giả Ananda (A-nan), cùng với nhiều bậc Thượng tọa đệ tử khác có thời danh, có danh xưng.)

Đối tượng nghe : Các tỳ kheo

-
Kinh Trung Bộ 119.Kinh Thân Hành Niệm (Kāyagatāsati sutta) (P. Kāyagatāsatisuttaṃ, H. 身行念經) tương đương Niệm thân kinh.111 Đức Phật dạy kỹ năng chánh niệm về thân (thân hành niệm), gồm làm chủ hơi thở ra vào; tỉnh giác trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, co, duỗi, nói, im lặng, động, tịnh, thức, ngủ; quán thân thể gồm 32 yếu tố bất tịnh; quán thi thể bị trương sình và chỉ còn xương, tro, bụi; nhờ đó, không còn chấp dính vào thân, ngã, ngã sở hữu và những thứ liên hệ đến thân. Như vậy, tu và chứng 4 thiền định để chấm dứt khổ đau.

Địa điểm : Thế Tôn trú ở Savatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà Lâm), tại tịnh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc)

Người giảng : Đức Phật

Đối tượng nghe : Các tỳ kheo

-
Kinh Trung Bộ 120.Kinh Hành Sanh (Sankhārupapatti sutta) (P. Saṅkhārupapattisuttaṃ, H. 行生經) tương đương Ý hành kinh.112 Đức Phật dạy điều kiện tái sinh theo ý muốn gồm đầy đủ chánh tín, đạo đức, bố thí, đa văn, trí tuệ; chú tâm vào cảnh giới và nơi muốn tái sinh, nhất là lúc gần qua đời. Ngoài những điều trên, nếu chú tâm vào Tâm giải thoát và Tuệ giải thoát, người tu tập sẽ chấm dứt khổ đau, chứng đắc quả Thánh.

Địa điểm : Thế Tôn trú ở Savatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà Lâm), tại tịnh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc)

Người giảng : Đức Phật

Đối tượng nghe : Các tỳ kheo

-
Kinh Trung Bộ 121.Kinh Tiểu Không (Cūlasunnata sutta) (P. Cūḷasuññatasuttaṃ, H. 空小經) tương đương Tiểu không kinh.119 Bằng kinh nghiệm bản thân, đức Phật dạy Tăng đoàn quán tính “không thực thể”, tu tập Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ và Vô tướng tâm định… để không vướng tâm tưởng vào con người, làng xã, nhà cửa, đại địa, núi, sông; phối hợp với quán vô thường và vô ngã, chấm dứt các lo lắng và khổ đau liên hệ đến tưởng; tâm được giải thoát.

Địa điểm : Thế Tôn trú ở Savatthi (Xá-vệ), tại Pubbarama (Ðông Viên), lâu đài của Migaramatu (Lộc Mẫu).

Người giảng : Đức Phật

Đối tượng nghe : Tôn giả Ananda

-
Kinh Trung Bộ 122.Kinh Ðại Không (Mahāsunnata sutta) (P. Mahāsuññatasuttaṃ, H. 空大經) tương đương Đại không kinh.120 Kinh dạy kỹ năng vượt qua ngã mạn, chấm dứt sự nhiễm đắm các sự vật, hiện tượng, sống thiểu dục, đề cao tâm viễn ly, thực tập nội tĩnh, chánh niệm, tỉnh thức, trải nghiệm các hỷ lạc do ly dục, do tu định, do diệu lạc và do xả niệm. Để tiến bộ trong tu học, người tu tập dù gặp nghịch cảnh, không chán nản, bỏ cuộc; dù gặp nhiều người quý trọng, không sanh tâm cống cao; với mọi người, không có tâm thù nghịch; đề cao lòng bi mẫn mang lại lợi lạc cho mọi người.

Địa điểm : Thế Tôn trú giữa các dòng họ Sakka (Thích-ca), tại Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ), ở tu viện Nigrodha (Ni-câu-luật Thọ Viên).

Người giảng : Đức Phật

Đối tượng nghe : Tôn giả Ananda

-
Kinh Trung Bộ 123.Kinh Hy Hữu Vị Tằng Hữu Pháp (Acchariya-abbhūtadhamma sutta) (P. Acchariyaabbhutadhammasuttaṃ, H. 希有未曾有法經) tương đương Vị tằng hữu pháp kinh.113 Tôn giả Ānanda thuật lại 18 điều mầu nhiệm về sự kiện Phật đản: (i) An trú trọn thọ mạng tại cung trời Ðâu-suất một cách chánh niệm; (ii) Vào thai mẹ trong chánh niệm; (iii) Ánh sáng thần diệu xuất hiện khi qua đời tại cõi trời Đâu-suất; (iv) Khi vào thai mẹ, có 4 thiên nhân hộ vệ mẫu thân; (v) Trong thai, tác động mẹ sống đức hạnh; (vi) Trong thai, mẹ không có dục tưởng; (vii) Trong thai, mẹ hưởng 5 dục công đức đầy đủ; (viii) Thai nhi đủ các bộ phận, mẹ không mệt mỏi; (ix) Mẹ tái sinh cõi trời Đâu-suất sau 7 ngày sinh; (x) Trụ thai đúng 10 tháng; (xi) Mẹ sinh trong tư thế đứng; (xii) Khi sinh được chư thiên đỡ Ngài sau đó mới đến loài người; (xiii) Khi sinh, thân Ngài không chạm đất; (xiv) Khi sinh ra không bị lấm bẩn máu mủ; (xv) Khi sinh ra có 2 dòng nước nóng, lạnh tắm 2 mẹ con; (xvi) Khi sinh ra, đi 7 bước hướng Bắc, tuyên bố sự độc tôn của Ngài; (xvii) Khi sinh ra, hào quang sáng ngời các cõi; (xviii) Cảm thọ được biết đến lúc sinh khởi, lúc trú và diệt, các ý tưởng và tư duy cũng thế.

Địa điểm : Thế Tôn trú ở Savatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà-lâm), tại tịnh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc).

Người giảng : Đức Phật

Đối tượng nghe : Tôn giả Ananda

-
Kinh Trung Bộ 124.Kinh Bạc-câu-la (Bakkula sutta) (P. Bakkulasuttaṃ, H. 薄拘羅經) tương đương Bạc-câu-la kinh.114 Tôn giả Bakkula (Bạc-câu-la) tự sự về 80 năm tu hành đặc biệt của Ngài: (i) Không có dục tưởng, sân tưởng và hại tưởng; (ii) Không nhận y phục từ cư sĩ, may y, nhận y Kathina; (iii) Không đi Trai Tăng; (iv) Không để ý tướng chung, tướng riêng của người nữ, không đến chỗ người nữ, không giảng pháp cho người nữ; (v) Không làm Bổn sư và Y chỉ sư của ai; (vi) Không tắm trong nhà tắm, không ốm đau, không dùng thuốc, không nằm giường; không đi an cư mùa mưa tại trú xứ gần làng; (vii) Chỉ mắc nợ thí chủ trong 7 ngày mới xuất gia. Sau đó, Ngài giác ngộ, giải thoát, nhập Niết-bàn trong tư thế thiền tọa bất động.

Địa điểm : Tôn giả Bakkula trú ở Rajagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại chỗ nuôi dưỡng các loài sóc (kalandakanivapa).

Người giảng : Tôn giả Bakkula

Đối tượng nghe : lõa thể Kassapa, một người bạn trước kia của Tôn giả Bakkula khi còn là cư sĩ

-
Kinh Trung Bộ 125.Kinh Ðiều Ngự Địa (Dantabhūmi sutta) (P. Dantabhūmisuttaṃ, H. 調御地經) tương đương Điều ngự địa kinh.115 Nhân câu chuyện Vương tử Jayasena không tin người tu xa lìa được 5 dục lạc, đức Phật dùng ẩn dụ con voi chưa được thuần hóa và ẩn dụ người ở đỉnh núi kể phong cảnh đó cho người dưới chân núi để mô tả cảnh giới lìa ái dục của bậc chân tu, giải phóng khổ đau. Đức Phật khuyến khích các đệ tử sống đạo đức, phòng hộ 6 giác quan, tiết độ ăn uống, chú tâm cảnh giác, vượt khỏi chướng ngại, chánh niệm trong các uy nghi, dứt 5 trói buộc tâm, tu 4 niệm xứ, chứng đắc 4 thiền, đạt được giác ngộ.

Địa điểm : Thế Tôn ở Rajagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại chỗ nuôi dưỡng sóc (Kalandakanivapa).

Người giảng : Đức Phật

Đối tượng nghe : Sa-di Aciravata (Tân Học Sa-môn Aggivessana) , vương tử Jayasena

-
Kinh Trung Bộ 126.Kinh Phù-di (Bhūmija sutta) (P. Bhūmijasuttaṃ, H. 浮彌經) tương đương Phù- di kinh.116 Đề cập đến giá trị trị liệu và thiết thực của Phật giáo, đức Phật giải thích kết quả của việc thực tập Bát chánh đạo trong hiện đời là hạnh phúc, giác ngộ và giải thoát, bất luận có ước nguyện hay không. Theo phương pháp đúng, cũng như ép hạt lấy dầu, vắt sữa từ vú bò cái, khuấy sữa làm bơ, và dùng cây khô để nhóm lửa, người thực tập chắc chắn được như ước nguyện.

Địa điểm : Thế Tôn trú ở Rajagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại chỗ nuôi dưỡng sóc.

Người giảng : Đức Phật

Đối tượng nghe : Tôn giả Bhumija (Phù-di) , vương tử Jayasena

-
Kinh Trung Bộ 127.Kinh A-na-luật (Anuruddha sutta) (P. Anuruddhasuttaṃ, H. 阿那律經) tương đương Hữu Thắng Thiên kinh.117 Tôn giả Anuruddha (A-na-luật) giải thích 2 sự giải thoát. Cùng tu tập từ, bi, hỷ, xả, nếu “tâm giải thoát đại hành” chỉ biến mãn một khu vực, khi chết hành giả sẽ tái sinh vào cõi trời Thiểu Quang, còn “tâm giải thoát vô lượng” biến mãn khắp mười phương, không hận sân, khi chết hành giả sẽ tái sinh vào cõi trời Vô Lượng Quang, Thiểu Tịnh, Vô Lượng Tịnh.

Địa điểm : Thế Tôn trú ở Savatthi (Xá vệ), tại Jetavana (Kỳ-đà viên), chỗ tinh xá của ông Anathapindika (Cấp cô độc)

Người giảng : Tôn giả Anuruddha

Đối tượng nghe : Tôn giả Abhiya Kaccana, thợ mộc Pancakanga

-
Kinh Trung Bộ 128.Kinh Tùy Phiền Não (Upakkilesa sutta) (P. Upakkilesasuttaṃ, H. 隨煩惱經) tương đương Trường Thọ Vương bổn khởi kinh.118 Nhằm giúp mọi người vượt qua nghiệp tranh chấp, đức Phật dạy cách đề cao chánh niệm để phòng phi, không xem mình là nạn nhân của khổ đau, dùng từ bi chuyển hóa hận thù, kết bạn với người trí; sống hòa hợp như nước với sữa, ứng xử bằng tâm từ ái, thiện cảm, quan tâm, tương trợ; tôn trọng và học hỏi sở trường của người khác; thực tập thiền quán để vượt qua các phiền não.

Địa điểm : Thế Tôn ở Kosambi (Kiều-thưởng-di), tại tịnh xá Ghosita (Cu-sư-la).

Người giảng : Đức Phật

Đối tượng nghe : các Tỷ-kheo ở Kosambi , Tôn giả Anuruddha , các Anuruddha ,Tôn giả Nandiya,Tôn giả Kimbila ,Tôn giả Bhagu

-
Kinh Trung Bộ 129.Kinh Hiền Ngu (Bālapandita sutta) (P. Bālapaṇḍitasuttaṃ, H. 賢愚經) tương đương Si tuệ địa kinh.119 Phật dạy kỹ năng phân biệt kẻ ngu và người trí. Đặc điểm của người trí là nghĩ lành, nói lành, làm lành; vui với sự từ bỏ các ác hành; tự xét mình không làm ác và không bị trừng trị; được an ổn và không sợ hãi; khi chết, tái sinh cõi trời, hưởng thiên lạc hơn vua chúa; khi tái sinh làm người thì sinh trong gia đình quyền quý, giàu có, sống hữu ích và hạnh phúc

Địa điểm : Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà viên), tại tịnh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc).

Người giảng : Đức Phật

Đối tượng nghe : Các tỳ kheo

-
Kinh Trung Bộ 130.Kinh Thiên Sứ (Devadūta sutta) (P. Devadūtasuttaṃ, H. 天使經) tương đương Thiên sứ kinh.120 Luật nhân quả chi phối mọi thứ ở kiếp này và quyết định sự tái sinh kiếp sau với các cảnh giới, làm người hay vật, hưởng hạnh phúc hay chịu khổ đau. Kẻ gây ác nghiệp sẽ bị trừng phạt bởi luật pháp và luật nhân quả. Quán chiếu tiến trình sự sống bắt đầu từ ấu nhi, thanh xuân, già, bệnh, chết như các thiên sứ nhắc nhở về vô thường để bản thân sống tốt hơn, tu học Phật pháp, chuyển hóa khổ đau

Địa điểm : Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà viên), tại tinh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc).

Người giảng : Đức Phật

Đối tượng nghe : Các tỳ kheo

-
Kinh Trung Bộ 131.Kinh Nhất Dạ Hiền Giả (Bhaddekaratta sutta) (P. Bhaddekarattasuttaṃ, H. 一夜賢者 經). Tại tinh xá Kỳ Viên, đức Phật dạy rằng cốt lõi của tu thiền là thực tập chánh niệm trong giây phút hiện tại và tại đây. Không hồi ức, sống với kinh nghiệm quá khứ đối với 5 thủ uẩn, 6 giác quan, 6 đối tượng giác quan. Không ước vọng, lo lắng, căng thẳng, sợ hãi về những chuyện chưa xảy ra đối với các đối tượng nêu trên. Không bị vọng niệm hiện tại lôi cuốn vào sự chấp tự ngã. An trụ tâm vào hiện tại tỉnh thức, vượt qua mọi khổ đau trên đời.

Địa điểm : Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà lâm)

Người giảng : Đức Phật

Đối tượng nghe : Các tỳ kheo

-
Kinh Trung Bộ 132.Kinh A-nan Nhất Dạ Hiền Giả (Anandabhaddekaratta sutta) (P. Ānandabhaddekarattasuttaṃ, H. 阿難一夜賢者經) tương đương A-nan thuyết kinh.121 Phật giảng kinh này tại tinh xá Kỳ Viên với nội dung tương tự kinh 131, đề cao vai trò chánh niệm hiện tiền trong việc giải phóng khổ đau.

Địa điểm : Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà lâm), tại tinh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc).

Người giảng : Đức Phật

Đối tượng nghe : Tôn giả Ananda

-
Kinh Trung Bộ 133.Kinh Ðại Ca-chiên-diên Nhất Dạ Hiền Giả (Mahākaccānabhaddekaratta sutta) (P. Mahākaccānabhaddekarattasuttaṃ, H. 大迦旃延一夜賢者經) tương đương Ôn tuyền lâm thiên kinh.122 Kinh này được Ngài Mahākaccāna giảng tại thành Vương Xá rằng chánh niệm hiện tiền là hạnh phúc dài lâu.

Địa điểm : Thế Tôn trú ở Rajagaha (Vương Xá), tại Tinh xá Tapoda.

Người giảng : Đức Phật

Đối tượng nghe : Tôn giả Samiddhi, 1 vị thiên, Tôn giả Ca Chiên Diên, các tỳ kheo

-
Kinh Trung Bộ 134.Kinh Lomasakangiya Nhất Dạ Hiền Giả (Lomasakangiyabhaddekaratta sutta) (P. Lomasakaṅgiyabhaddekarattasuttaṃ, H. 盧夷強耆一夜賢者經) tương đương Thích trung thiền thất tôn kinh.123 Tôn giả Lomasakaṅgiya trả lời thiên tử Candana về chánh niệm hiện tiền theo cách được đức Phật dạy trong các bài kinh 131, 132, 133.

Địa điểm : Thế Tôn trú ở Savatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà Lâm), tại tinh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc).

Người giảng : Đức Phật

Đối tượng nghe : Tôn giả Lomasakangiya ,Thiên tử Candana

-
Kinh Trung Bộ 135.Tiểu Kinh Nghiệp Phân Biệt (Cūlakammavibhanga sutta) (P. Cūḷakammavibhaṅgasuttaṃ, H. 小業分別經) tương đương Anh Vũ kinh.124 Giải thích nguyên nhân thế giới có thiên sai vạn biệt. Đức Phật khẳng định rằng con người là chủ nhân, thai tạng, quyến thuộc, điểm tựa và người kế thừa nghiệp. Theo đó, nhan sắc, sức khỏe, tuổi thọ, tài sản, vị thế, quyền uy, lối sống của con người là do hành vi và thói quen của con người. Ngài khuyến khích con người nỗ lực chuyển nghiệp bằng cách gieo trồng nghiệp mới tích cực thì các nghiệp xấu ác trong quá khứ sẽ trở nên vô hiệu quả.

Địa điểm : Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ) Jetavana (Kỳ-đà-lâm), tại tinh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc).

Người giảng : Đức Phật

Đối tượng nghe : thanh niên Subha Todeyyaputta

-
Kinh Trung Bộ 136.Ðại Kinh Nghiệp Phân Biệt (Mahākammavibhanga) (P. Mahākammavibhaṅgasuttaṃ, H. 大業分別經) tương đương Phân biệt đại nghiệp kinh.125 Đức Phật dạy rằng tùy theo bản chất tích cực hay tiêu cực của nghiệp mà cảm giác hạnh phúc hay khổ đau có mặt. Do tác động của duyên, sự trổ quả của nghiệp là có thật. Người sống tà kiến, gieo nhiều bất hạnh sẽ bị khổ đau ở hiện tại hoặc bị đọa lạc cảnh giới thấp trong kiếp tương lai. Có người gieo nghiệp xấu ở hiện tại nhưng do tác động của nghiệp tốt trong quá khứ của bản thân nên chậm trổ quả. Nhân quả là có thật nhưng chuyển nghiệp được nên không có số phận và định mệnh.

Địa điểm : Thế Tôn ở Rajagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại chỗ nuôi dưỡng sóc.

Người giảng : Đức Phật

Đối tượng nghe : Tôn giả Ananda , du sĩ ngoại đạo Potaliputta , Tôn giả Samiddhi

-
Kinh Trung Bộ 137.Kinh Phân Biệt Sáu Xứ (Salāyatanavibhanga sutta) (P. Saḷāyatanavibhaṅgasuttaṃ, H. 六處 分別經) tương đương Phân biệt lục xứ kinh.126 Phật giảng về 6 giác quan, 6 đối tượng, 6 xúc, 6 thức, 18 ý hành (6 khổ, 6 ưu, 6 xả), 36 loại hữu tình (18 ý hành tại gia, 18 ý hành xuất gia), 3 cảm thọ, 3 niệm của Đạo sư và Vô thượng điều ngự. Phật khích lệ tu 8 giải thoát: Nội có sắc quán ngoại sắc, nội không sắc quán ngoại sắc, chú tâm trên thanh tịnh, Hư không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ và Diệt thọ tưởng định.

Địa điểm : Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà Lâm)

Người giảng : Đức Phật

Đối tượng nghe : Các tỳ kheo

-
Kinh Trung Bộ 138.Kinh Tổng Thuyết Và Biệt Thuyết (Uddesavibhanga sutta) (P. Uddesavibhaṅgasuttaṃ, H. 總說分別經) tương đương Phân biệt quán pháp kinh.127 Tôn giả Mahākaccāna giải thích lời Phật dạy về cách vượt qua sự dao động tâm, không chấp dính, không còn khổ về sanh, già, chết. Khi giác quan tiếp xúc ngoại trần cảnh, không đuổi theo tướng ngoài. Tu tập 4 thiền định để không vướng dính nội trần. Không chấp ngã, tự ngã, ngã sở hữu trong thân thể và sắc pháp, nhờ đó, không còn khát ái, không sợ hãi, không bị khủng bố, đạt được an lạc và giải thoát

Địa điểm : Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà Lâm)

Người giảng : Đức Phật , Tôn giả Maha Ca Chiên Diên

Đối tượng nghe : Các tỳ kheo

-
Kinh Trung Bộ 139.Kinh Vô Tránh Phân Biệt (Aranavibhanga sutta) (P. Araṇavibhaṅgasuttaṃ, H. 無諍分 別經) tương đương Câu-lâu-sấu vô tránh kinh.128 Để giúp mọi người vượt qua khổ đau do nghiệp và thói quen tranh chấp, đức Phật dạy kỹ năng tán dương mặt tích cực của người khác, góp ý khéo và đúng lúc, chú tâm vào sự an lạc của thanh tịnh và giác ngộ, giao tiếp bằng lời từ ái, không chấp dính ngôn ngữ và hành xử của người khác, thực tập hỷ xả và bao dung

Địa điểm : Thế Tôn trú ở Savatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà Lâm)

Người giảng : Đức Phật

Đối tượng nghe : Các tỳ kheo

-
Kinh Trung Bộ 140.Kinh Giới Phân Biệt (Dhātuvibhanga sutta) (P. Dhātuvibhaṅgasuttaṃ, H. 界分別經) tương đương Phân biệt lục giới kinh.129 Để vượt qua mọi chấp thủ, đức Phật khuyên mọi người phát triển 4 siêu việt gồm tôn trọng chân lý, phát triển trí tuệ, chia sẻ tuệ giác và trải nghiệm sự tịch tịnh; nhận thức rõ địa, thủy, hỏa, phong, không vốn không phải là tôi, của tôi và tự ngã của tôi; chuyển hóa cảm xúc, vọng tưởng, tham ái, sân hận, vô minh và vượt qua mọi chấp thủ, đạt được giác ngộ và giải thoát.

Địa điểm : Thế Tôn du hành ở xứ Magadha (Ma- kiệt-đà), đi đến Rajagaha (Vương xá), đến nhà thợ gốm Bhaggava

Người giảng : Đức Phật

Đối tượng nghe : thợ gốm Bhaggava , Tôn giả Pukkusati , các tỳ kheo khác

-
Kinh Trung Bộ 141.Kinh Phân Biệt Về Sự Thật (Saccavibhanga sutta) (P. Saccavibhaṅgasuttaṃ, H. 諦分 別經) tương đương Phân biệt Thánh đế kinh.130 Phương pháp chấm dứt khổ đau của đức Phật gồm 4 bước: (i) Nhận diện khổ đau của thân và tâm; (ii) Truy tìm nguyên nhân khổ đau từ tham ái, sân hận và si mê; (iii) Trải nghiệm Niết-bàn khi khổ và nguyên nhân khổ đã kết thúc; (iv) Tu Bát chánh đạo gồm sự hoàn thiện trí tuệ, đạo đức và thiền định; nhờ đó, chứng đắc giác ngộ và giải thoát ở hiện đời

Địa điểm : Thế Tôn ở Baranasi (Ba la nại), Isipatana (chỗ chư Tiên đọa), tại Migadaya (Lộc Uyển).

Người giảng : Đức Phật , 2 vị tôn giả Sariputta và Moggallana

Đối tượng nghe : Các ty kheo

-
Kinh Trung Bộ 142.Kinh Phân Biệt Cúng Dường (Dakkhināvibhanga sutta) (P. Dakkhiṇāvibhaṅgasuttaṃ, H. 施分別經) tương đương Cù-đàm-di kinh.131 Dựa vào giá trị đạo đức và sự đóng góp tích cực cho đời, những bậc đáng được cúng dường bao gồm đức Phật, bậc Độc Giác, bậc A-la-hán, bậc Bất lai, bậc Nhất lai, bậc Dự lưu, người đang hướng đến quả Thánh là Tăng Ni và những người đức hạnh. Nhân đây, đức Phật dạy cách cúng dường và bố thí thanh tịnh đối với người cho và người nhận.

Địa điểm : Thế Tôn trú giữa dòng họ Sakka (Thích-Ca), ở Kapilavatthu (Ca-ty-la-vệ), tại tinh xá Nigrodha (Ni-câu-luật Thọ Viên).

Người giảng : Đức Phật

Đối tượng nghe : Tôn giả Ananda , Mahapajapati Gotami

-
Kinh Trung Bộ 143.Kinh Giáo Giới Cấp Cô Ðộc (Anāthapindikovāda sutta) (P. Anāthapiṇḍikovādasuttaṃ, H. 教給孤獨經) tương đương Giáo hóa bệnh kinh.132 Nhằm giúp Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc) vượt qua cơn đau nhức kinh khủng, Tôn giả Sāriputta và Ānanda hướng dẫn cách thực tập vô ngã đối với 6 giác quan, 6 đối tượng, 6 xúc, 6 nhận thức; địa, thủy, hỏa, phong, không, thức; thế giới này, thế giới khác. Sau khi thực tập có kết quả, Anāthapiṇḍika đã nhẹ nhàng ra đi và tái sinh vào cõi lành.

Địa điểm : Thế Tôn trú ở Savatthi (Xá-vệ), Jetavana

Người giảng : Đức Phật , Tôn giả Sariputta và Tôn giả Ananda

Đối tượng nghe : Ông Cấp Cô Ðộc (Anāthapindikovāda) ,

-
Kinh Trung Bộ 144.Kinh Giáo Giới Channa (Channovāda sutta) Một thời, Thế Tôn ở Rajagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc-lâm), tại chỗ nuôi dưỡng sóc (Kalandakanivapa). Lúc bấy giờ Tôn giả Sariputta (Xá lợi phất), Tôn giả Mahacunda (Ðại Chu-na) và Tôn giả Channa (Xiển-đà) cùng trú ở Gijjhakuta (Linh Thứu). Lúc bấy giờ, Tôn giả Channa bị bệnh, đau khổ, bị trọng bệnh. Rồi Tôn giả Sariputta, vào buổi chiều từ Thiền tịnh độc cư đứng dậy, đi đến Tôn giả Mahacunda, sau khi đến, nói với Tôn giả Mahacunda:

Địa điểm : Thế Tôn ở Rajagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc-lâm), tại chỗ nuôi dưỡng sóc (Kalandakanivapa).

Người giảng : Đức Phật

Đối tượng nghe : Tôn giảả Sariputta (Xá lợi phất), Tôn giả Mahacunda (Ðại Chu-na) và Tôn giả Channa (Xiển-đà)

-
Kinh Trung Bộ 145.Kinh Giáo Giới Phú-lâu-na (Punnovāda sutta) (P. Puṇṇovādasuttaṃ, H. 教富樓 那經).134 Được đức Phật xác vấn về lý tưởng truyền bá chân lý, Tôn giả Puṇṇa (Phú-lâu-na) kiên định rằng Ngài không sợ mắng nhiếc, đánh đập, ném đá, dùng hung khí tấn công, thậm chí bị giết chết bởi người dân nước Sunāparanta hung hãn. Giữ được trạng thái an tịnh trong mọi nghịch cảnh và không chấp thủ mọi thứ trên đời là nền tảng thành công trong hành đạo và phụng sự nhân sinh.

Địa điểm : Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà-Lâm)

Người giảng : Đức Phật

Đối tượng nghe : Tôn giả Punna (Phú-lâu-na)

-
Kinh Trung Bộ 146.Kinh Giáo Giới Nandaka (Nandakovāda sutta) (P. Nandakovādasuttaṃ, H. 教難陀 迦經).135 Vâng lời Phật dạy, Tôn giả Nandaka giáo giới Ni đoàn về sự vô thường của mọi sự vật hiện tượng gồm 6 giác quan, 6 đối tượng giác quan và 6 nhận thức giác quan vốn không phải là tôi, tự ngã của tôi, sở hữu của tôi; thực tập 7 yếu tố giác ngộ, dùng tuệ giác chặt đứt mọi trói buộc và khổ đau. An trú sự giải thoát bằng tâm (tu thiền) và giải thoát bằng trí tuệ

Địa điểm : Thế Tôn trú ở Savatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà-lâm)

Người giảng : Đức Phật, Tôn giả Nandaka

Đối tượng nghe : Mahapajapati Gotami , chúng tỳ kheo ni

-
Kinh Trung Bộ 147.Tiểu Kinh Giáo Giới La-hầu-la (Cūlarāhulovāda sutta) (P. Cūḷarāhulovādasuttaṃ, H. 教羅睺羅小經).136 Đức Phật hướng dẫn Rāhula (La-hầu-la) nhận thức sâu sắc rằng 6 giác quan, 6 đối tượng giác quan, 6 tiếp xúc giác quan, về bản chất là vô thường, biến hoại và nếu không làm chủ được sẽ dẫn đến khổ đau. Không nên đánh đồng chúng là tôi, sở hữu của tôi, tự ngã của tôi và không đắm nhiễm vào chúng; đồng thời thực tập ly tham, đạt được giải thoát.

Địa điểm : Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà lâm) tại tinh xá ông Anathapindika.

Người giảng : Đức Phật

Đối tượng nghe : Tôn giả Rahula

-
Kinh Trung Bộ 148.Kinh Sáu Sáu (Chachakka sutta) (P. Chachakkasuttaṃ, H. 六六經) tương đương Thuyết xứ kinh.137 Từ sự tiếp xúc của 6 giác quan với 6 đối tượng, phát sinh 6 nhận thức, 6 cảm nhận và 6 ái luyến giác quan. Nhận diện quá trình sinh khởi và hoại diệt của mọi sự vật, người tu tập sẽ không chấp “tự ngã” đã sinh và diệt nơi tôi, nhàm chám mọi nhiễm đắm, làm chủ bản thân để các năng lượng ngủ ngầm của tham ái, sân hận, si mê không thể xuất hiện, tăng trưởng và dần bị tiêu diệt

Địa điểm : Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà Lâm)

Người giảng : Đức Phật

Đối tượng nghe : Các tỳ kheo

-
Kinh Trung Bộ 149.Ðại Kinh Sáu Xứ (Mahāsalāyatanika sutta) (P. Mahāsaḷāyatanikasuttaṃ, H. 大六處 經).138 Tu tập 37 yếu tố giác ngộ, đặc biệt là Bát chánh đạo, phát huy sự thấy biết như thật về 6 giác quan, 6 đối tượng giác quan, 6 tiếp xúc… tạo ra cảm giác khổ, vui và trung tính. Người tu tập sẽ không nhiễm đắm bất cứ thứ gì trên đời, nhờ đó, 5 nhóm nhân tính không có mặt trong tương lai, tham ái kết thúc, thân và tâm được an lạc.

Địa điểm : Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà Lâm)

Người giảng : Đức Phật

Đối tượng nghe : Các tỳ kheo

-
Kinh Trung Bộ 150.Kinh Nói Cho Dân Nagaravinda (Nagaravindeyya sutta) (P. Mahāsaḷāyatanikasuttaṃ, H. 大六處 經).138 Tu tập 37 yếu tố giác ngộ, đặc biệt là Bát chánh đạo, phát huy sự thấy biết như thật về 6 giác quan, 6 đối tượng giác quan, 6 tiếp xúc… tạo ra cảm giác khổ, vui và trung tính. Người tu tập sẽ không nhiễm đắm bất cứ thứ gì trên đời, nhờ đó, 5 nhóm nhân tính không có mặt trong tương lai, tham ái kết thúc, thân và tâm được an lạc.

Địa điểm : Thế Tôn du hành giữa dân chúng Kosala, cùng với Ðại chúng Tỷ-kheo và đi đến một làng Bà-la-môn của dân chúng Kosala tên là Nagaravinda.

Người giảng : Đức Phật

Đối tượng nghe : Các Bà-la-môn gia chủ ở Nagaravinda

-
Kinh Trung Bộ 151.Kinh Khất Thực Thanh Tịnh (Pindapātapārisuddhi sutta) (P. Piṇḍapātapārisuddhisuttaṃ, H. 乞食清淨經).140 Nhận diện bản chất “không thực thể” trong mọi sự vật, người tu tập khi các giác quan tiếp xúc với đối tượng của chúng, cần làm chủ tâm, không tạo điều kiện cho tham ái, sân hận, si mê xuất hiện. Tinh tấn soi xét bản thân đã chấm dứt được 5 dục lạc, 5 trói buộc tâm chưa? Luôn tự hỏi bản thân đã tu tập 4 niệm xứ, 4 tinh tấn, 4 như ý túc, 5 năng lực, 7 giác ngộ, thiền định, thiền tuệ hay chưa, để quyết tâm tu tập đạt được trí tuệ và giải thoát.

Địa điểm : Thế Tôn ở Rajagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc lâm), tại chỗ nuôi dưỡng sóc (Kalandakanivapa).

Người giảng : Đức Phật

Đối tượng nghe : Tôn giả Sariputta

-
Kinh Trung Bộ 152.Kinh Căn Tu Tập (Indriyabhāvanā sutta) (P. Indriyabhāvanāsuttaṃ, H. 根修習經).149 Khác với cách ẩn sĩ Bà-la-môn lánh đời bằng sự bịt mắt, che tai, đức Phật dạy kỹ năng buông bỏ sự dính mắc khi 6 giác quan vẫn tiếp xúc 6 đối tượng hằng ngày, dù hài lòng hay không hài lòng. Các Tăng sĩ nên tinh tấn tu pháp lành, thực hành thiền để không hối hận, trở thành bậc Đạo sư xứng đáng và có trách nhiệm hướng dẫn mọi người giải phóng khổ đau.

Địa điểm : Thế Tôn ở Kajangala, tại Mukheluvana.

Người giảng : Đức Phật

Đối tượng nghe : thanh niên Bà-la-môn Uttara(đệ tử của Pasariya ), tôn giả Ananda

-

© Nikaya Tâm Học 2024. All Rights Reserved. Designed by Nikaya Tâm Học

Giới thiệu

Nikaya Tâm Học là cuốn sổ tay internet cá nhân về Đức Phật, cuộc đời Đức Phật và những thứ liên quan đến cuộc đời của ngài. Sách chủ yếu là sưu tầm , sao chép các bài viết trên mạng , kinh điển Nikaya, A Hàm ... App Nikaya Tâm Học Android
Live Statistics
43
Packages
65
Dropped
18
Invalid

Tài liệu chia sẻ

  • Các bài kinh , sách được chia sẻ ở đây

Những cập nhật mới nhất

Urgent Notifications