Layout Options

Header Options

  • Choose Color Scheme

Sidebar Options

  • Choose Color Scheme

Main Content Options

  • Page Section Tabs
  • Light Color Schemes
Kinh Trung Bộ 107.Kinh Ganaka Moggallāna (Ganakamoggallāna sutta)
(P. Gaṇakamoggallānasuttaṃ, H. 算 數家目犍連經) tương đương Toán số Mục-kiền-liên kinh.102 Con đường tâm linh kết thúc khổ đau, chứng đắc Niết-bàn bắt đầu bằng sự huấn luyện đạo đức, sống chánh hạnh, giữ oai nghi, sợ hãi các lỗi nhỏ, làm chủ 6 giác quan, làm chủ việc ăn uống, chánh niệm và tỉnh thức trong mọi động tác, thực tập thiền định để tháo mở các trói buộc tâm gồm tham ái, sân hận, hôn trầm thùy miên, hối quá và hoài nghi. Ai thực hành theo sự chỉ đường của đức Phật sẽ đạt được giải thoát trong hiện đời
Tìm kiếm nhanh
student dp

ID:237

Các tên gọi khác

(P. Gaṇakamoggallānasuttaṃ, H. 算 數家目犍連經) tương đương Toán số Mục-kiền-liên kinh.102 Con đường tâm linh kết thúc khổ đau, chứng đắc Niết-bàn bắt đầu bằng sự huấn luyện đạo đức, sống chánh hạnh, giữ oai nghi, sợ hãi các lỗi nhỏ, làm chủ 6 giác quan, làm chủ việc ăn uống, chánh niệm và tỉnh thức trong mọi động tác, thực tập thiền định để tháo mở các trói buộc tâm gồm tham ái, sân hận, hôn trầm thùy miên, hối quá và hoài nghi. Ai thực hành theo sự chỉ đường của đức Phật sẽ đạt được giải thoát trong hiện đời
Kinh Trung Bộ 107.Kinh Ganaka Moggallāna (Ganakamoggallāna sutta)

 

I. Nội dung kinh

(Ganakamoggallāna sutta)
Dịch giả: Thích Minh Châu


    

(Download file MP3 – 2.72 MB – Thời gian phát: 15 phút 52 giây.)
Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về [email protected] để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Font chữ:


Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Savatthi, Pubbarama, nơi lâu đài của Migaramatu (Ðông Viên Lộc Mẫu Giảng đường). Rồi Bà-la-môn Ganaka Moggallana đi đến chỗ Thế Tôn, sau khi đến nói lên những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Ganaka Moggallana bạch Thế Tôn:

— Ví như, thưa Tôn giả Gotama, tại lâu đài Migaramatu này, có thể thấy được một học tập tuần tự, một công trình tuần tự, một đạo lộ tuần tự, tức là những tầng cấp của lầu thượng cuối cùng; thưa Tôn giả Gotama, cũng vậy, đối với những vị Bà-la-môn này, được thấy một học tập tuần tự, một công trình tuần tự, một đạo lộ tuần tự, tức là sự học hỏi (các tập Veda). Thưa Tôn giả Gotama, cũng vậy, đối với những vị bắn cung này, được thấy một học tập tuần tự, một công trình tuần tự, một đạo lộ tuần tự, tức là nghệ thuật bắn cung. Cũng vậy, thưa Tôn giả Gotama, đối với chúng con là những người toán số, sống nhờ nghề toán số, cũng được thấy một học tập tuần tự, một công trình tuần tự, một đạo lộ tuần tự, tức là toán số. Thưa Tôn giả Gotama, vì rằng khi có được người đệ tử, trước hết chúng con bắt người ấy đếm như sau: “Một, một lần, hai, hai lần, ba, ba lần, bốn, bốn lần, năm, năm lần, sáu, sáu lần, bảy, bảy lần, tám, tám lần, chín, chín lần, mười, mười lần”. Và thưa Tôn giả Gotama, chúng con bắt đếm tới một trăm. Có thể trình bày chăng, thưa Tôn giả Gotama, trong Pháp và Luật này, cũng có một tuần tự học tập, một tuần tự công trình, một tuần tự đạo lộ như vậy?

— Có thể trình bày, này Bà-la-môn, trong Pháp và Luật này, có một tuần tự học tập, có một tuần tự công trình, có một tuần tự đạo lộ. Ví như, này Bà-la-môn, một người huấn luyện ngựa thiện xảo, sau khi được một con ngựa hiền thiện, trước tiên luyện tập cho nó quen mang dây cương, rồi tập luyện cho nó quen các hạnh khác; cũng vậy, này Bà-la-môn, Như Lai khi được một người đáng được điều phục, trước tiên huấn luyện người ấy như sau: “Hãy đến Tỷ-kheo, hãy giữ giới hạnh, hãy sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, thọ trì và học tập các học giới”.

Này Bà-la-môn, khi vị Tỷ-kheo giữ giới hạnh, chế ngự với sự chế ngự của giới bổn, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, thọ trì và học tập các học giới, Như Lai mới huấn luyện vị ấy thêm như sau: “Hãy đến Tỷ-kheo, hãy hộ trì các căn, khi mắt thấy sắc chớ có nắm giữ tướng chung, chớ có nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì nhãn căn không được chế ngự khiến tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, vị Tỷ-kheo tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì con mắt, thực hành sự hộ trì con mắt. Khi tai nghe tiếng…. mũi ngửi hương… lưỡi nếm vị.. thân cảm xúc… ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các pháp ác bất thiện khởi lên, Tỷ-kheo chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn”.

Này Bà-la-môn, sau khi Tỷ-kheo hộ trì các căn rồi, Như Lai mới huấn luyện vị ấy thêm như sau: “Hãy đến Tỷ-kheo, hãy tiết độ trong ăn uống, chơn chánh giác sát thọ dụng món ăn, không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, chỉ để thân này được duy trì, được bảo dưỡng, khỏi bị gia hại, để chấp trì Phạm hạnh, nghĩ rằng: “Như vậy ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên các cảm thọ mới; và ta sẽ không phạm lỗi lầm, sống được an ổn”.

Này Bà-la-môn, sau khi Tỷ-kheo tiết độ trong ăn uống rồi, Như Lai mới huấn luyện vị ấy thêm như sau: “Hãy đến Tỷ-kheo, hãy chú tâm cảnh giác! Ban ngày trong khi đi kinh hành và trong khi đang ngồi, gột sạch tâm trí khỏi các chướng ngại pháp; ban đêm trong canh đầu, trong khi đi kinh hành và trong khi đang ngồi, gột sạch tâm trí khỏi các chướng ngại pháp; ban đêm trong canh giữa, hãy nằm xuống phía hông bên phải, như dáng nằm con sư tử, chân gác trên chân với nhau, chánh niệm tỉnh giác, hướng niệm đến lúc ngồi dậy lại. Ban đêm trong canh cuối, khi đã thức dậy, trong khi đi kinh hành và trong khi đang ngồi, gột sạch tâm trí khỏi các chướng ngại pháp”.

Này, Bà-la-môn, sau khi vị Tỷ-kheo chú tâm tỉnh giác, Như Lai mới huấn luyện vị ấy thêm nữa như sau: “Hãy đến Tỷ-kheo, hãy thành tựu chánh niệm tỉnh giác, khi đi tới khi đi lui đều tỉnh giác; khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác; khi co tay, khi duỗi tay đều tỉnh giác; khi mang y kép, bình bát, thượng y đều tỉnh giác; khi ăn, uống, nhai, nuốt, đều tỉnh giác; khi đi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác; khi đi, đứng, ngồi, nằm, thức, nói, yên lặng đều tỉnh giác”.

Này Bà-la-môn, sau khi chánh niệm tỉnh giác rồi, Như Lai mới huấn luyện vị ấy thêm như sau: “Hãy đến Tỷ-kheo, hãy lựa một chỗ thanh vắng, tịch mịch như rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây, ngoài trời, đống rơm”.

Vị ấy lựa một chỗ thanh vắng, tịch mịch, như rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây, ngoài trời, đống rơm. Sau khi đi khất thực về và ăn xong, vị ấy ngồi kiết-già, lưng thẳng tại chỗ nói trên và an trú chánh niệm trước mặt. Vị ấy từ bỏ tham ái ở đời, sống với tâm thoát ly tham ái, gột rửa tâm hết tham ái. Từ bỏ sân hận, vị ấy sống với tâm không sân hận, lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng hữu tình, gột rửa tâm hết sân hận. Từ bỏ hôn trầm thụy miên, vị ấy sống thoát ly hôn trầm thụy miên, với tâm tưởng hướng về ánh sáng, chánh niệm tỉnh giác, gột rửa tâm hết hôn trầm thụy miên; từ bỏ trạo cử hối tiếc, vị ấy sống không trạo cử, nội tâm trầm lặng, gột rửa tâm hết trạo cử hối tiếc; từ bỏ nghi ngờ, vị ấy sống thoát khỏi nghi ngờ, không phân vân lưỡng lự, gột rửa tâm hết nghi ngờ đối với các thiện pháp.

Khi đoạn trừ năm triền cái ấy, những pháp làm ô nhiễm tâm, làm trí tuệ yếu ớt, vị ấy ly dục, ly bất thiện pháp chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm với tứ. Vị ấy diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Vị ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.

Này Bà-la-môn, đối với những Tỷ-kheo nào là bậc hữu học, tâm chưa thành tựu, đang sống cần cầu sự vô thượng an tịnh các triền ách, đó là sự giảng dạy của Ta như vậy đối với những vị ấy. Còn đối với những vị Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu đã tận, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí giải thoát, những pháp ấy đưa đến sự hiện tại lạc trú và chánh niệm tỉnh giác.

Khi được nói vậy, Bà-la-môn Ganaka Moggallana bạch Thế Tôn:

— Các đệ tử của Sa-môn Gotama, khi được Sa-môn Gotama khuyến giáo như vậy, giảng dạy như vậy, có phải tất cả đều chứng được cứu cánh đích Niết-bàn hay chỉ có một số chứng được?

— Này Bà-la-môn, một số đệ tử của Ta, khi được khuyến giáo như vậy, giảng dạy như vậy, chứng được cứu cánh đích Niết-bàn, một số không chứng được.

— Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì trong khi có mặt Niết-bàn, trong khi có mặt con đường đưa đến Niết-bàn, trong khi có mặt Tôn giả Gotama là bậc chỉ đường, tuy vậy các đệ tử Tôn giả Gotama, được Tôn giả Gotama khuyến giáo như vậy, giảng dạy như vậy, một số chứng được cứu cánh đích Niết-bàn, một số không chứng được?

— Này Bà-la-môn, ở đây Ta sẽ hỏi Ông. Nếu Ông kham nhẫn, hãy trả lời cho Ta. Này Bà-la-môn, Ông nghĩ thế nào? Ông có giỏi về con đường đi đến Rajagaha (Vương Xá)?

— Thưa Tôn giả, con có giỏi về con đường đi đến Rajagaha.

— Này Bà-la-môn, Ông nghĩ thế nào? Ở đây, có một người, muốn đi đến Rajagaha, người này đến Ông và nói như sau: “Thưa Tôn giả, tôi muốn đi đến Rajagaha. Hãy chỉ cho tôi con đường đi đến Rajagaha”. Ông nói với người ấy như sau: “Ðược, này Bạn, đây là con đường đưa đến Rajagaha. Hãy đi theo con đường ấy trong một thời gian. Sau khi đi trong một thời gian, Bạn sẽ thấy một làng tên như thế này. Hãy đi theo trong một thời gian. Sau khi đi trong một thời gian, Bạn sẽ thấy một thị trấn tên như thế này. Hãy đi theo trong một thời gian. Sau khi đi trong một thời gian, Bạn sẽ thấy Rajagaha với những khu vườn mỹ diệu, với những khu rừng mỹ diệu, với những vùng đất mỹ diệu, với những hồ ao mỹ diệu”. Dầu cho người ấy được khuyến giáo như vậy, được giảng dạy như vậy, nhưng lại lấy con đường sai lạc, đi về hướng Tây. Rồi một người thứ hai đến, muốn đi đến Rajagaha. Người này đến Ông và hỏi như sau: “Thưa Tôn giả, tôi muốn đi đến Rajagaha, mong Tôn giả chỉ con đường ấy cho tôi”. Rồi Ông nói với người ấy như sau: “Ðược, này Bạn, đây là đường đi đến Rajagaha. Hãy đi theo con đường ấy trong một thời gian. Sau khi đi một thời gian, Bạn sẽ thấy một làng có tên như thế này. Hãy đi theo con đường ấy trong một thời gian. Sau khi đi một thời gian, Bạn sẽ thấy một thị trấn có tên như thế này. Hãy đi theo con đường ấy trong một thời gian. Sau khi đi theo con đường ấy trong một thời gian, Bạn sẽ thấy Rajagaha với những khu vườn mỹ diệu, với những khu rừng mỹ diệu, với những vùng đất mỹ diệu, với những ao hồ mỹ diệu”. Người ấy được Ông khuyến giáo như vậy, giảng như vậy, đi đến Rajagaha một cách an toàn.

Này Bà-la-môn, do nhân gì, do duyên gì, trong khi có mặt Rajagaha, trong khi có mặt con đường đưa đến Rajagaha, trong khi có mặt Ông là người chỉ đường, dầu cho Ông có khuyến giáo như vậy, giảng dạy như vậy, một người lấy con đường sai lạc, đi về hướng Tây, còn một người có thể đi đến Rajagaha một cách an toàn?

— Thưa Tôn giả Gotama, ở đây, con làm gì được? Con chỉ là người chỉ đường, thưa Tôn giả Gotama.

— Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi có mặt Niết-bàn, trong khi có mặt con đường đi đến Niết-bàn, và trong khi có mặt Ta là bậc chỉ đường. Nhưng các đệ tử của Ta, được Ta khuyến giáo như vậy, giảng dạy như vậy, một số chứng được cứu cánh đích Niết-bàn, một số không chứng được. Ở đây, này Bà-la-môn, Ta làm gì được? Như Lai chỉ là người chỉ đường.

Khi nghe nói vậy, Bà-la-môn Ganaka Moggalana bạch Thế Tôn:

— Thưa Tôn giả Gotama, đối với những người không phải vì lòng tin, chỉ vì sinh kế, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, những người xảo trá, lường gạt, hư ngụy, mất thăng bằng, cao mạn, dao động, nói phô tạp nhạp, không hộ trì các căn, ăn uống không tiết độ, không chú tâm cảnh giác, thờ ơ với Sa-môn hạnh, không tôn kính học tập, sống quá đầy đủ, uể oải, đi đầu trong thối thất, từ bỏ gánh nặng viễn ly, biếng nhác, tinh cần thấp kém, thất niệm, không tỉnh giác, không định tâm, tâm tán loạn, liệt tuệ, câm ngọng; Tôn giả Gotama không thể sống với những người như vậy.

Còn những Thiện gia nam tử vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, không xảo trá, không lường gạt, không hư ngụy, không mất thăng bằng, không cao mạn, không dao động, không nói phô tạp nhạp, hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, chú tâm tỉnh giác, không thờ ơ với Sa-môn hạnh, tôn kính học tập, sống không quá đầy đủ, không uể oải, từ bỏ thối thất, đi đầu trong viễn ly, tinh cần, tinh tấn, chánh niệm, an trú, tỉnh giác, định tĩnh, nhứt tâm, có trí tuệ, không câm ngọng; Tôn giả Gotama sống hòa hợp với những vị ấy.

Ví như Tôn giả Gotama, trong các loại căn hương, hắc chiên đàn hương được gọi là tối thượng; trong các loại lõi cây hương, xích chiên đàn hương được gọi là tối thượng; trong các loại hoa hương, vũ quý hương (jasmine) được gọi là tối thượng. Cũng vậy là lời khuyến giáo của Tôn giả Gotama được xem là cao nhất trong những lời khuyến giáo hiện nay.

Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày những gì bị che kín, chỉ đường cho những người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc; cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích. Con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp và chúng Tỷ-kheo Tăng. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.



Source link

II. Phần lược giảng

 Trung Bộ Kinh – Bài Kinh số 107
Kinh Gonaka Moggallàna
(Gonakamoggallànasuttam)
– Discourse To Gonaka Moggallàna –

  1. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

(Các từ ngữ quen thuộc)

  1. NỘI DUNG KINH 107
  2. Lúc Thế Tôn trú ở lâu đài Migaramàtu (Đông Viên Lộc Mẫu Giảng Đường), Sàvatthì, Bà-la-môn Gonaka Moggallàna yết kiến Thế Tôn và bạch rằng: một lâu đài được xây cất tuần tự; các nghề bắn cung; toán số,…, được học tập tuần tự; vậy trong Pháp và Luật của Thế Tôn có những bước đi tuần tự như vậy không?

– Thế Tôn dạy: Cũng thế.

  1. Quá trình thực hành Pháp và Luật của Thế Tôn thuyết giảng:

2.1. Hộ trì giới bổn Ba-la-đe-mộc-xoa, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt…
2.2. Hộ trì các căn…
2.3. Ăn uống tiết độ…
2.4. Chú tâm cảnh giác khỏi các pháp chướng ngại …
2.5. Chánh niệm cảnh giác …
2.6. Đoạn trừ Ngũ cái …
2.7. An trú bốn sắc định …
2.8. Từ đệ tứ sắc định, an trú để thiền quán cắt đứt các kiết sử (Hữu học), và Hiện tại lạc trú cho các A-la-hán.

  1. Thế Tôn xác định:

– Niết bàn có mặt ở đó;
– Con đường dẫn đến Niết bàn có mặt ở đó;
– Như Lai có mặt, nhưng chỉ là bậc chỉ đường.

Thành tựu phạm hạnh hay không là tùy thuộc vào nỗ lực của mỗi hành giả.

Cuối thời pháp, Gonaka – Moggallàna tán thán Thế Tôn là bậc đạo sư cao cả nhất, Gonaka xin làm đệ tử tại gia trọn đời.

III. BÀN THÊM

  1. Qua kinh 107 và các kinh đã giới thiệu, con đường học và tu của một Tỷ kheo chỉ bao gồm vào ba phần thật rất rõ ràng và dễ hiểu:

1.1. Văn huệ: bao gồm:

– Nghe và hiểu về Giới bổn Patimokkha;
– Nghe và hiểu giáo lý Tứ đế: sự thật của khổ; nguyên nhân của khổ; khổ diệt; và con đường dẫn đến khổ diệt.
– Nghe và hiểu về sự thật “duyên sinh” của mọi hiện hữu.
– Nghe và hiểu về dục và các pháp chướng ngại giải thoát.
– Nghe và hiểu về Ngũ thủ uẩn.
– Nghe và hiểu về thiền quán, Như lý tác ý.

1.2. Tư huệ: bao gồm:

– Quán về nguy hiểm của dục lạc, dục tưởng.
– Quán trở ngại của Ngũ triền cái.
– Quán trở ngại của tầm, tứ, hỷ, lạc (các cảm thọ thuộc nội thọ).
– Quán về “Duyên khởi”.
– Quán Ngũ uẩn, ngã và ngã sở là trống không, Vô sở hữu.
– Quán thế giới là vô thường, vô hộ, vô chủ và vô sở hữu.

1.3. Tu huệ: bao gồm mấy bước thực hành:

– Tẩy sạch các cấu uế của tâm, tẩy sạch Ngũ cái
– Đoạn trừ lần lượt các thiền chi tầm, tứ, hỷ, lạc để an trú xả và nhất tâm.
– Thiền quán Tứ vô lượng tâm để vào Diệt thọ tưởng định.
– Thiền quán Ba pháp ấn để lần lượt cắt đứt 10 kiết sử, chứng đắc Tam minh, Lục thông.

  1. Tu tập là một quá trình chuyển đổi tâm lý qua các bước thực hành cơ bản: chuyển đổi tập quán sống, chuyển hóa tâm thức bằng chuyển hoá từ ác tâm qua thiện tâm rồi đến giải thoát tâm và giải thoát tuệ. Đây là các bước đi mà các hành giả nào cũng phải trải qua, trải qua với thời gian ngắn hay dài.

– Với các căn cơ trí tuệ lớn, lộ trình tâm lý cũng phải đi qua các mốc điểm chuyển đổi ấy, nhưng đi qua với tốc độ nhanh hơn, có thể trong một thời khắc nào đó, một ngày cho đến bảy ngày, tám ngày; hay hai tuần đến bốn tuần; hoặc hai tháng đến bảy tháng. Với căn cơ khác thì có thể từ một năm cho đến bảy năm, hay lâu hơn.

  1. Hành giả cần theo dõi tâm lý của tự thân và con đường, dựa vào nỗ lực của tự thân. Thế Tôn chỉ là bậc chỉ đường. Các bạn đồng phạm hạnh chỉ là trợ duyên nhỏ.

Sức mạnh giác tỉnh ly tham càng mãnh liệt thì kiết sử càng được cắt đứt nhanh chóng, lậu hoặc càng được tẩy sạch nhanh.

Sức mạnh của giác tỉnh thì tăng nhanh tỷ lệ thuận với nỗ lực và hữu hiệu của thiền quán ba pháp ấn của các hiện hữu.

Tất cả đó là thành quả của một quá trình huấn luyện tâm, tu tập tâm, hành lập đi lập lại nhiều lần.

 

III. Video giảng giải

.

Toát yếu Kinh Trung Bộ

Ni sư Thích Nữ Trí Hải tóm tắt & chú giải

 

TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 107

Ganaka Moggallana

I. TOÁT YẾU

Ganakamoggallàna Sutta - To Ganaka Moggallàna.

The Buddha sets forth the gradual training of the Buddhist monk and describes himself as the "shower of the way."

[Nói với nhà toán học Moggallàna. Phật đề ra trình tự huấn luyện một tỷ kheo và tự cho mình là người chỉ đường.]

II. TÓM TẮT

1. Bà la môn lấy ví dụ xây nhà [1] hoặc làm cứ gì như học toán [2] đều theo một trình tự, để hỏi trong đạo Phật có chăng một trình tự như thế. Phật đưa ra hình ảnh huấn luyện ngựa [3] để giảng về thứ tự học đạo. Trước hết là hộ trì giới, sống chế ngự với giới bổn, đủ uy nghi chính hạnh, thấy nguy hiểm trong lỗi nhỏ. Hai hộ trì 6 căn khi tiếp xúc 6 trần. Ba tiết chế trong ăn uống, không cho cảm thọ mới khởi lên. Bốn chú tâm cảnh giác gột sạch tâm trí khỏi chướng ngại pháp. Năm, thành tựu chính niệm tỉnh giác trong mọi uy nghi. Sáu, an trú chính niệm bằng thiền toạ tại chỗ vắng để rũ bỏ 5 triền cái, chứng sơ thiền đến tứ thiền. Những pháp này vừa đưa đến vô thượng an ổn thoát khỏi khổ ách mà cũng vừa là hiện pháp lạc trú của vị đã đắc quả A la hán. [4]

2. Bà la môn lại hỏi khi được giảng dạy như vậy, có phải ai cũng chứng cứu cánh niết bàn hay chỉ một số ít? Phật đáp chỉ một số ít, ví như người đã được chỉ đường rành rẽ nhưng lại đi theo hướng khác, thì người chỉ đường [5] không thể làm gì được. Cũng thế, trong khi có niết bàn, có đường đến niết bàn, với Phật là người dẫn đường, các đệ tử sau khi được khuyến giáo chỉ một số đi theo đúng đường, một số không theo đúng.

3. Bà la môn bạch Phật [6] có những người sống không vì lòng tin chỉ vì sinh kế, không giữ giới hộ trì căn, không kính trọng sự tu học, sống quá dung tục, dẫn đầu đọa lạc, ngu đần, liệt tuệ, từ bỏ gánh nặng, viễn ly… tôn giả Gotama không thể sống với những người như vậy. Còn những thiện nam tử vì lòng tin xuất gia, tôn kính học tập, không thờ ơ với sa môn hạnh, dẫn đầu về viễn ly, chính niệm tỉnh giác, nhất tâm, có tuệ, tôn giả Gotama sống hòa hợp với những vị ấy. Ví như trong các loại hương rễ cây, hương sắc chiên đàn là nhất, trong các loại hương hoa, hương hoa nhài là nhất. Cũng vậy trong các giáo lý, giáo lý của tôn giả Gotama cao nhất hiện nay [7] Rồi bà la môn xin quy y Tam bảo.

III. CHÚ GIẢI

1. Không thể nào nội trong một ngày mà xây được một cái nhà bảy tầng, phải có sự tiến hành tuần tự từ lúc phát quang, đặt nền móng cho đến khi hoàn tất.

2. Ganaka, tên ông có nghĩa là Mục Kiền Liên nhà kế toán.

3. Xem Trung 65, đoạn 33.

4. Những giao đoạn tu hành trước đấy là cần thiết cho những tỷ kheo để đắc quả la hán, song cũng lợi ích cho các vị tỷ kheo đã đắc quả ở chỗ đưa đến hiện tại lạc trú. Theo sớ giải, lạc trú này là sự đắc quả A la hán, và giải thích rằng một vài vị có thể chứng quả A la hán dễ dàng bất cứ lúc nào, còn các vị khác thì phải siêng năng tu tập từng bước một để đắc quả.

5. So sánh với Pháp cú 276: Chính các ông phải nỗ lực; chư Như Lai chỉ có nêu lên con đường.

6. Như Kinh số 5, đoạn 32.

7. Paramajjadhammesu. Lý thuyết của Gotama là tối thượng, cao nhất trong các giáo lý đương thời, tức của lục sư ngoại đạo.

IV. PHÁP SỐ

V. KỆ TỤNG

Toán số gia Mục liên
Hỏi trình tự tu hành
Trong Pháp và Luật Phật
Ðấng Thiện thệ đáp liền.
Th
ành tựu Giới trước tiên
Thứ hai, gìn giữ tâm
Khi căn trần xúc đối
Khiến ô nhiễm không sinh.
Ba uống ăn chừng mực

Ðủ duy trì cơ thể
Bốn chú tâm cảnh giác
Phòng chướng ngại tham sân.
Năm đứng ngồi giác tỉnh
Chính niệm từng uy nghi
Sáu t
ìm nơi an tịnh
Dứt triền cái, chứng thiền.
Ðây sáu việc cần làm
Của người chưa chứng thánh
Nhưng bậc thánh vẫn làm
Ðể hiện tại vui an.
Dù được dạy như thế
M
à kẻ chứng, người không
Vì Phật chỉ con đường
Ai không theo khó chứng.
Những người thiếu đức tin
Xuất gia v
ì sinh kế
Thờ ơ sa môn hạnh
Khó theo Gotama;
Những thiện gia nam tử
Vì lòng tin xuất gia
Sống chú tâm tỉnh giác
Sẽ gần đức Thích Ca.
Ng
ài là vị tối cao
Trong các thầy giáo đạo
Con trọn đời quy kính
Tôn giả Gotama!

-ooOoo-

© Nikaya Tâm Học 2024. All Rights Reserved. Designed by Nikaya Tâm Học

Giới thiệu

Nikaya Tâm Học là cuốn sổ tay internet cá nhân về Đức Phật, cuộc đời Đức Phật và những thứ liên quan đến cuộc đời của ngài. Sách chủ yếu là sưu tầm , sao chép các bài viết trên mạng , kinh điển Nikaya, A Hàm ... App Nikaya Tâm Học Android
Live Statistics
43
Packages
65
Dropped
18
Invalid

Tài liệu chia sẻ

  • Các bài kinh , sách được chia sẻ ở đây

Những cập nhật mới nhất

Urgent Notifications