Vào một thời kia, đức Phật và các Tỳ-kheo đang đi trên đường từ thành Vương-Xá đến làng Nalanda, có hai du-sĩ ngoại-đạo theo sau, thầy là Suppiya và trò là Brahmadatta, đang cãi nhau: thầy thì hủy-báng Phật, Pháp, Tăng; còn trò thì hết lòng tán-thán ngôi Tam Bảo.
Nhơn thấy các Tỳ-kheo bàn-luận về việc nầy, đức Phật khuyên các Tỳ-kheo khi nghe ai hủy-báng Phật, Pháp, Tăng, chớ nên tức-tối, phiền-muộn, mà có hại cho tâm mình. Còn khi nghe lời tán-thán ngôi Tam Bảo, cũng chớ có quá hoan-hỉ, thích-thú, vì sẽ gây trở ngại cho đường tu. Thái-độ đứng-đắn là phải nói lên sự-thật cho họ biết: trong lời hủy-báng, vạch ra chỗ nào là chẳng chính-xác; trong lời tán-thán, chỉ rõ điểm nào đã thật-sự xảy ra.
Đức Phật lại bảo, phàm-phu khi tán-thán Phật, thường nói đến các ”vấn-đề không quan-trọng, nhỏ-nhặt, chỉ thuộc về giới-luật”. Còn các bực biết tán-thán Như-Lai một cách chân-chánh thì mới nói đến ”các pháp khác, sâu-kín, khó chứng, tịch-tĩnh, mỹ-diệu, vượt ngoài tầm lý-luận suông, chỉ những người trí mới nhận hiểu, chỉ có bực Như-Lai mới tự chứng-tri, giác-ngộ và truyền-thuyết”.
Do đó, Phật thuyết-giảng Kinh Phạm-Võng để dạy về giới-luật, và các pháp cao-siêu vượt thoát được sáu mươi hai kiến-chấp vốn là các tà-kiến đã lôi kéo con người vào vòng sanh-tử khổ-đau của Luân-hồi.
Lưới Phạm-võng bao trùm 62 kiến-chấp