<p>[Tương đương Pāli: <i>Mahāgovindasutta</i>, D. 19]</p>
<p>Kinh gồm ba phần.</p>
<p><strong>Phần I</strong>: Ban-giá-dực (<i>Pañcasikha</i>), con của nhạc thần (<i>gandhabba</i>), tường thuật một buổi tập hội của chư thiên trời Đao lị (<i>Tāvatiṃsa</i>). Trong buổi quần tiên hội này, Thiên đế Thích nói cho chư thiên nghe về tám pháp Vô đẳng nơi một vị Phật. Tám pháp Vô đẳng là tám điều như thực (<i>yathābhucca</i>) chỉ có thể tìm thấy nơi một vị Phật chứ không thể nơi nào khác (<i>na … aññatra tena bhagavatā</i>). Tiếp theo đó, Phạm Thiên xuất hiện, xác nhận tám pháp Vô đẳng, và cũng giới thiệu một pháp Vô đẳng của Phật.</p>
<p><strong>Phần II</strong>: Toàn bộ nội dung là những chi tiết về Đại Điển Tôn, một tiền thân của Phật, được chính Phạm Thiên kể lại cho chư thiên Đao-lị nghe. Nội dung này được Ban-giá-dực thuật lại cho đức Phật.</p>
<p><strong>Phần III</strong>: Ban-giá-dực thỉnh cầu Phật xác nhận chuyện được kể bởi Phạm Thiên. Phật xác nhận Đại Điển Tôn cũng chính là tiền thân của Phật. Tuy rằng khi sống thế tục Đại Điển Tôn làm được lợi ích cho nhiều người, và sau khi xuất gia cũng làm lợi ích cho nhiều người; nhưng sự tu tập và giáo hóa ấy chưa phải là đạo cứu cánh, còn phải chịu tái sinh, chịu khổ của sinh tử mặc dù có thể dẫn tái sinh lên Phạm thiên. Chỉ đến nay đức Thích Tôn mới đạt đến đạo cứu cánh ấy và cũng khai thị cho thế gian đạo cứu cánh ấy, dẫn đến cứu cánh an ổn và Niết-bàn.</p>