<p>[Tương đương Pāli: <i>Janavasabhassutta</i>, D 18]</p>
<p>Đề của Kinh này trong Pāli là <i>Janavasabha</i>, trong đó <i>jana</i>: con người, <i>vasabha</i>: ngưu vương, có thể dịch là "Nhân trung Ngưu vương" chỉ cho bậc thủ lãnh tôn quý trong loài người (Sớ giải Pāli: <i>dasasahassādhikassa janassatasasassassa jeṭṭho hutvā sotāpanno jāto, tasmā javanasabhotissa nāmaṃ ahosi</i>: vị ấy vốn từng là bậc nhân chủ, đứng đầu trên hàng triệu triệu người, rồi chứng Thánh quả Dự lưu, cho nên có tên là Janavasabha).</p>
<p>Trong bản dịch Hán, từ phiên âm là Xà-ni-sa, kèm theo lời chua là "Thắng kết sử". Bản Hán dịch đơn hành của Kinh này có nhan đề là <i>Nhân tiên kinh</i>; theo đây có thể truy gốc tiếng Phạn là <i>Nararshabha</i>: bậc Ngưu vương hay Đại Tiên của loài người. Từ này xuất hiện trong <i>Đại thừa Bồ tát tập học luận </i>dưới dạng là nhân trung tiên, mà nguyên hình có thể tìm thấy trong Phạn bản hiện có <i>Śikṣāsamuccaya</i> của Śāntideva. Nhưng phiên âm trong bản Kinh hiện tại là Xà-ni-sa cho phép truy gốc Phạn <i>Janarsabha</i> mà ý nghĩa vẫn không thay đổi, vì trong tiếng Phạn <i>nara</i> và <i>jana</i> có thể dùng như đồng nghĩa. Tuy vậy, từ Phạn được giả thiết này không hoàn toàn phù hợp với từ phiên âm ta có. Vì vậy, cần tìm lại nguồn gốc hỗn chủng của nó, so sánh với từ Pāli. Từ <i>Janarsabha</i> nói trên là dạng của Sanskrit nhã ngữ, mà gốc hỗn chủng của nó có thể còn lưu lại trong Pāli là <i>Janesabha</i>, từ kép của <i>Jana</i> (loài người với <i>Isabha</i> (Ngưu vương). Trong kinh <i>Đại hội</i> (Pāli, <i>Mahāsamayasutta</i> 20) xuất hiện từ <i>Janesabha</i> này và được Sớ giải đồng nhất nó với <i>Janavasabha</i>. Ta thấy từ <i>Janesabha</i> gần với phiên âm Hán dịch, nên có thể tạm xác nhận đây là dạng nguyên thủy của từ đang được tìm hiểu.</p>
<p>Xà-ni-sa, hay <i>Janesabha</i>, là tên mới của vua Bình-sa (Tần-bà-sa-la, <i>Bimbisāra</i>) sau khi chết tái sinh lên trời Đao-lị làm con trai của Tì-sa-môn Thiên vương (<i>Vessavana</i>).</p>
<p>Phần đầu của Kinh, A-nan khởi lên nghi vấn về các đệ tử tại gia đã tạ thế tại Ma-kiệt-đà, trong đó có vua Bình-sa (<i>Bimbisāra</i>).</p>
<p>Tiếp theo, Xà-ni-sa mà trước kia là vua Bình-sa từ Đao-lị hiện xuống hầu Phật, và tường thuật nội dung buổi luận Pháp của chư thiên Đao-lị. Khi chư thiên tập hội, Phạm Thiên xuất hiện trong hình dạng một đồng tử. Phần này tương tự như Ban-giá-dực kể với Phật trong kinh <i>Điển tôn</i>. Trong buổi hội này, Phạm Thiên trình bày cho chư thiên Đao-lị các pháp vi diệu đã được Phật thuyết: bốn niệm xứ, bảy định cụ, bốn thần túc, và ba lối đi mà Phật mở ra cho chư thiên và loài người hướng đến Chính giác.</p>