<p>[Pāli: <i>Kevaṭṭasutta</i>, D 11]</p>
<p>Kinh này Phật nói rõ giá trị của thần thông. Các tôn giáo đều yêu cầu giáo chủ hiện thần thông, làm phép lạ. Một số đệ tử Phật cũng thỉnh cầu Phật thị hiện thần thông, làm phép lạ, để cho người đời dễ tin tưởng. Vị Cư sỹ Kiên Cố (Kevaṭṭa/ Kevaddha) trong Kinh thỉnh cầu như vậy. Phật từ chối, và nêu lên ba loại thần thông, gọi là ba thị đạo (<i>tīṇi pāṭihārriyāni</i>), tức ba sự thị hiện lôi cuốn người khác, khiến người kinh ngạc, thán phục vì sự thần kỳ: (a) Thần biến thị đạo (<i>iddhipāṭihāriya</i>), là hiện các phép thần thông biến hóa như một thân thành nhiều thân, đi trong hư không như chim, đi xuyên qua vách đá… (b) Ký tâm thị đạo (<i>ādesanāpāṭihāriya</i>), đọc rõ tâm của người khác, biết rõ người đang nghĩ gì. (c) Giáo giới thị đạo (<i>anusāsanīpāṭihāriya</i>), giáo dục, dạy người xấu trở thành tốt, biến kẻ hung ác thành người thiện. Trong ba loại, Phật chỉ nhận giáo hóa thị đạo là sự thị hiện thần thông phép lạ kỳ diệu nhất.</p>
<p>Nhân đó, Phật kể chuyện một Tỳ-kheo đã đắc thần thông, nhưng không biết rõ bốn đại này khi diệt tận thì trở về đâu. Ông vận thần thông lên hỏi chư thiên. Không vị nào biết để trả lời. Ông lần lượt lên cung trời cao hơn. Cuối cùng lên đến Phạm Thiên. Khi được hỏi, Phạm Thiên không trả lời trực tiếp, mà lại tuyên bố: "Ta là Đại Phạm, là đấng Vô Năng Thắng, thống lãnh một nghìn thế giới, phú quý, tôn quý, hào quý, hoàn toàn được tự tại, có khả năng tạo hóa mọi vật, là cha mẹ của chúng sinh." Tức là Thượng đế Toàn năng, Toàn trí. Vị Tỳ-kheo yêu cầu trả lời câu hỏi chứ không cần đến tuyên bố ông là thế nào. Phạm Thiên thú nhận là không biết, và đề nghị trở về Kì viên hỏi Phật.</p>
<p>Tỳ-kheo này trở về Kì viên hỏi Phật. Phật kể chuyện ngụ ngôn, như con chim của người đi biển được thả ra tìm bờ. Nếu tìm thấy bờ, nó đi luôn. Nếu không thấy bờ, nó quay trở lại thuyền. Tỳ-kheo này cũng vậy, đi suốt mấy cõi, không tìm ra giải đáp mới trở lại với Phật.</p>
<p>Đó là ý nghĩa thần thông trong Phật pháp.</p>